Digital Marketing là gì?
Digital Marketing hay còn gọi là tiếp thị kĩ thuật số. Đây có thể hiểu là các hoạt động quảng bá cho sản phẩm/ thương hiệu nhằm tác động đến nhận thức khách hàng, kích thích hành vi mua hàng của họ. Nói dễ hiểu, Digital Marketing là các hoạt động tiếp thị sử dụng một hoặc nhiều phương tiện kĩ thuật số trên Internet.
Kể từ khi có Internet, hành vi và xu hướng mua hàng của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Nhiều đối tượng khách hàng ưa chuộng việc tìm kiếm thông tin trên các công cụ tìm kiếm hay mạng xã hội, vv… Điều này đã tạo nên một phân khúc khách hàng mới – khách hàng trên Internet. Digital Marketing ra đời kể từ đây.
Các công cụ Digital Marketing thường gặp
- Website/landing page/blog…: Kênh đăng tải các thông tin dịch vụ, sản phẩm, thương hiệu để khách hàng của bạn tham khảo.
- Content (nội dung): Xây dựng nội dung tiếp thị trực tuyến hiệu quả.
- SEO (Search engine optimization: Thực hiện nghiên cứu từ khóa, tối ưu hóa website trên các công cụ tìm kiếm.
- SEM (Search Engine Marketing: Tiếp thị trên các công cụ tìm kiếm, ví dụ như quảng cáo trên Google Adwords.
- Email Marketing: Tiếp thị tới người dùng bằng email.
- Online PR: Quan hệ công chúng trên môi trường internet.
- Quảng cáo banner online: Mua banner quảng cáo trên các 4rum, diễn đàn, các trang tin tức điện tử lớn, có tầm ảnh hưởng trong xã hội…
- Social Media Marketing: Tiếp thị và tương tác với người dùng online thông qua các mạng xã hội.
- Mobile Marketing: Chiến lược Marketing trên điện thoại (gửi tin nhắn, ứng dụng điện thoại…)
- Web analytics: Thường hay sử dụng công cụ Google Analytics để phân tích.
Hướng dẫn bắt đầu với một số công cụ Digital Marketing
1. Cách làm website bằng mã nguồn mở
Biết làm website không có nghĩa là bạn phải biết lập trình hay thiết kế, bạn có thể bắt đầu bằng việc làm blog (nên dùng WordPress blog) sau đó từ từ bạn học cách website/blog vận hành, mối liên quan code và cơ sở dữ liệu, giao diện …và từ từ bạn sẽ tự làm được một website cho bản thân bằng mã nguồn mở (WordPress là lý tưởng nhất, Joomla cũng dễ học).
Các bạn đừng xem nhẹ website vì gần như tất cả mọi hoạt động Digital Marketing đều chạy quanh website nên nếu bạn không biết làm website bằng mã nguồn mở cũng nên hiểu được cách một website vận hành và các thành phần của nó là gì, chỉ có như vậy bạn mới có thể thành công trong Digital marketing.
Hãy lưu ý là học cách website vận hành, mối liên hệ giữa mã nguồn (code), cơ sở dữ liệu, giao diện, hosting còn các phần nào liên quan đến cách lập trình hãy bỏ sang một bên.
Đây chính là cách mà mình đã từng đi và đã qua được: khi còn đi học mình không có internet phải lên lầu năm của trường bắt sóng wifi của mấy nhà kế bên, không có tài liệu tiếng việt, cũng không biết rằng mình có thể làm website vận hành ngon lành mà không cần biết lập trình, cũng không biết website sẽ giúp gì cho cuộc đời mình sau này. Đó chính là những thứ các bạn hơn hẳn mình, vậy tại sao các bạn không làm được?
Nếu các bạn không thể qua được bước làm website này thì cũng đừng nản vì đơn giản là bạn khác mình và khác nhiều người khác, hãy đọc tiếp bên dưới có thể bạn sẽ thấy con đường riêng của bạn.
Bạn sẽ không phải là người lập trình hay làm toàn bộ trang web khi bạn làm Digital Marketing nhưng bạn cần và luôn làm việc với Lập trình viên, thiết kế và các bộ phận khác liên quan đến web để mô tả cho họ về mục tiêu của marketing. Những kiến thức cơ bản về cách website vận hành, những giới hạn của HTML, CSS hay một ngôn ngữ lập trình nào đó sẽ giúp bạn mô tả và “nhờ vả” một cách hiệu quả hơn.
2. Bắt đầu với SEO (Search Engine Optimization)
Sau khi mình làm xong một website cho ông anh nhưng tìm mãi trên Google mà không thấy website của mình đâu, từ đó mình bắt đầu tìm hiểu về SEO.
SEO là công việc tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Ban đầu mình tìm kiếm (search) vòng quanh xem tại sao website lại hiển thị khi mình search gì đó trên Google và tại sao một website không xuất hiện khi người dùng tìm kiếm, cách cho Google biết một website đang tồn tại trên internet, rồi mình tìm hiểu tiếp SEO bao gồm những phần lớn nào, trong mỗi phần lớn có những phần nhỏ nào, cách các phần này tương tác với nhau, cách tối ưu các phần này cho SEO như thế nào.
Trong quá trình làm mình sẵn sàng thử bất cứ thứ gì mình đọc được không sợ là đúng hay sai, sau đó đọc thêm để từ từ hiểu ra như vậy là đúng hay sai. Lúc đó mọi thứ mình làm và tối ưu đều dùng website mã nguồn mở Joomla và các plugin của nó.
Hãy bắt đầu học SEO bằng cách học làm website bằng WordPress (không khó ), sau đó đọc cuốn sách này: SEO Starter by Google, và có thể tìm cuốn SEOBOOK để đọc hoặc một cuốn nào phù hợp với bạn, đọc sách với SEO là khá quan trọng vì SEO có rất rất nhiều chi tiết nên bạn cần tổng hợp và học theo một định hướng rõ ràng.
3. Bắt đầu với SEM (Search Engine Marketing)
Mình định nghĩa SEM ở đây đơn giản là quảng cáo trên Google.
Khi bắt đầu học SEM mình may mắn được training từ một công ty, từ đó giúp mình hiểu được những thứ cơ bản và cách vận hành, ngoài ra lúc này mình đã làm SEO được khá lâu nên việc nghiên cứu từ khóa cũng như viết đoạn quảng cáo không có gì khó khăn nữa, chỉ mơ hồ mãi về làm sao để tối ưu quảng cáo và những thứ nâng cao cần học là gì, ngoài ra còn gặp khó khăn về việc không có nhiều tiền để chạy khi mới bắt đầu học.
Hãy tìm hiểu làm sao để chọn từ khóa phù hợp với mục tiêu quảng cáo của bạn. Hãy tìm hiểu về những giới hạn hướng đối tượng của Google Adwords. Hãy tìm hiểu điểm chất lượng và định nghĩa click, impression. Hãy chạy càng nhiều Campaign càng tốt (tốn tiền của bạn hoặc của người khác). Hãy bắt đầu bằng đọc cái này: Google Adwords Help sau đó cố gắng vận dụng mối quan hệ và ngỏ ý muốn chạy thử SEM cho một ai đó với số tiền nhỏ (bid thấp) để hiểu rõ hơn lý thuyết…sau khi chạy ads một thời gian bạn nên thi cái này: Google Adwords Cetificate thi thì miễn phí nhưng nếu bạn vượt qua được cả 3 kỳ thi của Google thì lúc đó bạn sẽ không còn lo về cơm ăn, áo mặc, việc làm…nữa (tại thời điểm này).
4. Bắt đầu với Social Media Marketing
Trước tiên bạn nên học về cách thực thi trên các kênh Social Media bằng việc sử dụng các kênh này hàng ngày để hiểu được tính năng và giới hạn của nó.
Sau khi hiểu được cách các kênh Social Media vận hành ra sao bạn hãy thử làm người khác chú ý hơn đến bạn, dụ dỗ họ tương tác với bạn nhiều hơn, đó cũng thường là mục tiêu của Social Media Marketing: Tương tác với người dùng nhiều hơn.
Hãy thử tạo cho mình 1 fanpage (hoặc xin làm cho một ai đó) về lĩnh vực bạn yêu thích rồi tìm mọi cách để tăng like và tương tác cho fanpage đó, bạn sẽ rút ra được nhiều điều và đừng ngại kể về thành công/ thất bại khi bạn làm fanpage này (kể cả phương pháp “black-hat” – biết để tránh). Lưu ý rằng ở Việt Nam rất ít doanh nghiệp dùng Twitter.
5. Bắt đầu học Email Marketing
Do có một thời gian làm một Project về tài khoản và người dùng tại Project Lana, trong Project này mình phải xử lý tất cả vấn đề user gặp phải khi đăng ký, đăng nhập, kích hoạt…nên phải xử lý các vấn đề về gửi mail, cách hệ thống mail vận hành, cách các spam filter hoạt động, cơ chế chặn mail, tần suất gửi và những thông tin trả về sau khi gửi mail có ý nghĩa gì…
Ngoài ra khi làm ở VietnamWorks mình cũng phụ trách toàn bộ về hệ thống Email bên đây nên ngoài những thứ về hệ thống mình bắt đầu đào sâu hơn về cá nhân hóa, về các hệ thống (công cụ) gửi mail, các lưu ý khi chuyển đổi hệ thống mail.
Khi làm email các bạn cũng nên tìm hiểu thêm về tâm lý người dùng để “dụ” được người dùng đưa email của họ cho bạn, khi hiểu tâm lý người dùng rồi bạn cũng nên biết 1 chút về web và các giới hạn để việc lấy email người dùng dễ hơn.
6. Bắt Đầu Với Web Analytics
Web Analytics trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có vai trò khá mờ nhạt nhưng mình tính trong vài năm nữa đây cũng sẽ là một phần được rất nhiều người chú trọng phát triển.
Mình đã bắt đầu với Analytics web từ năm 2009 để xem các chỉ số của SEO, dần dần mình tìm hiểu thêm dùng Web Analytics để đánh dấu các đường link trong một chiến dịch quảng cáo nhằm đo hiệu quả của chiến dịch đó chính xác hơn (mất khoảng 1 năm để hiểu phần đánh dấu link này – URL Tagging), sau đó làm việc nhiều hơn với SEO cũng dẫn đến việc mình làm việc nhiều hơn với Ananlytics và dần dần hiểu rõ hơn các phần nâng cao của nó.
Sau đó có một thời gian làm về Web product tại Project Lana đòi hỏi mình cần tìm hiểu nhiều hơn, chi tiết hơn về hành vi người dùng, lúc này mình bắt đầu tìm hiểu thêm về các công cụ analytics real-time và cách dùng event tracking, custom demensions …
Web Ananlytics sẽ tự đến với bạn khi bạn tìm hiểu các công cụ khác của Digital Marketing.
Lưu ý:
Web Analytics ở Việt Nam chủ yếu dùng Google Analytics và bạn chỉ nên học khi bạn cần biết hiệu quả của một công cụ khác trong chiên dịch Marketing.
Với các bạn đang đi làm các bạn hãy tìm hiểu các định nghĩa về Sessions, user, bounce rate, page view… các định nghĩa sẽ giúp bạn không còn mơ hồ khi đọc các report.
7. Bắt đầu tập viết Content (nội dung)
Các chuyên gia marketing cho rằng “Content is the King”, nhưng với mình thì “Content is the Queen” mới là một hình ảnh đủ để những “newbie” hình dung về nó. Vì content xét về khía cạnh nào cũng giống như một “nữ hoàng”:
Câu chữ cần trau chuốt, chỉnh chu, chính xác nhưng phải thật sự gần gũi thì mới đi vào lòng người với đủ mọi tầng lớp “thần dân” (người đọc).
Nội dung phải đủ sức mạnh, phải “power” nhưng lại mềm mại như lời một nữ hoàng mới tác động vào não của người nghe/đọc.
Một nữ hoàng thì luôn luôn đẹp. Nội dung của bạn cũng cần phải đẹp. Đẹp và thực tế.
Đối với những bạn mới bắt đầu học cách viết Content Marketing hay, điều đầu tiên là nghiên cứu kỹ lưỡng insight của người đọc, của khách hàng. Phải biết họ muốn nghe gì, đọc gì, thích gì trong ngay cái thời điểm mà bạn làm content thì từ đó bạn mới có thể xác định thông điệp của mình nên chuyển tải theo cách nào. Làm content là làm công việc chuyển tải thông điệp. Chỉ đơn giản vậy thôi. Nếu bạn vừa làm content vừa làm creative thì chúc mừng bạn, bạn chắc chắn sẽ giữ được trái tim của khách hàng. Làm Content Marketing không những cần sự sáng tạo mà còn cần tính logic để có thể tạo ra một chiến lược Content Marketing thành công.