Thời gian gần đây, tình hình cháy nổ diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội. Các vụ cháy, nhất là cháy nhà ở nhiều tầng, liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước còn nhiều bất cập, quy hoạch thiếu đồng bộ. Tại một số nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về xây dựng, về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Đáng chú ý, tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, PCCC còn phổ biến. Tại các nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), chủ nhà tự ý thiết kế nâng tầng, xây dựng, cải tạo, chuyển đổi công năng không bảo đảm các điều kiện về an toàn PCCC, nhất là các điều kiện an toàn về thoát nạn, ngăn cháy; không trang bị các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về PCCC đối với một số đối tượng nhà và công trình còn chưa đầy đủ, đồng bộ.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thực trạng nêu trên nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Theo nhận định của các đại biểu, mô hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là phương thức sống của một bộ phận người dân ở các đô thị, nhất là ở các thành phố lớn.
Theo nhận định của hầu hết các đại biểu Quốc hội, dù đã đề ra nhiều nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, tuy nhiên, việc lơ là, thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở của người đứng đầu công tác phòng cháy, dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Do vậy, ràng buộc trách nhiệm đối với người đứng đầu trong nhiệm vụ PCCC là rất cần thiết và cần được bổ sung trong Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2024.
Mặt khác, trách nhiệm quản lý PCCC phải từ thành phố, quận, phường, khối, phố và lực lượng chuyên ngành. Cần phân biệt rành mạch, rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của cấp cơ sở để khi sự việc xảy ra, việc quy trách nhiệm sẽ cụ thể, khách quan, công tâm hơn.
Các cơ quan chức năng ngoài việc siết chặt công tác thiết kế, cấp phép, thẩm định xây dựng các công trình, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống phòng cháy chữa cháy của các chung cư nói chung, chung cư mini, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh sau khi đã đưa vào sử dụng. Kiên quyết xử lý và kiểm soát tất cả các khu vực xây dựng, cấp phép không đúng, sắp xếp lại trật tự những khu vực dân cư có khả năng xảy ra cháy nổ một cách quyết liệt, đồng bộ, không thỏa hiệp.
Quá trình rà soát, những địa điểm, đối tượng, cơ sở dễ phát sinh cháy, không đáp ứng được những điều kiện, quy định về PCCC thì phải kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chú trọng phòng cháy hơn là chữa cháy, phòng từ sớm, từ xa, không để “mất bò mới lo làm chuồng”. Chấm dứt tình trạng sau mỗi vụ hỏa hoạn thương tâm đều diễn ra “kịch bản” đầy đủ các cấp chính quyền nhắc nhở nâng cao ý thức về PCCC, nhưng trên thực tế các vụ cháy vẫn tiếp tục xảy ra.
Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân, do vậy, công tác này không phải chỉ của riêng cơ quan phòng cháy; cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu biết, nâng cao tinh thần trách nhiệm phòng cháy, đồng thời hướng dẫn kỹ năng PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho người dân, nhất là các cơ sở, địa điểm có nguy cơ cháy nổ cao.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên và toàn diện để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về PCCC, từ đó ngăn chặn triệt để nguy cơ cháy nổ.