Chi tiêu cho sách giáo khoa, chi tiêu thêm cho các nguồn lực, ngay cả lương cao hơn cho giáo viên, nếu học sinh không chịu học thì cũng không thể đạt hiệu quả.
Tờ Khmer Times ngày 12/12 đưa tin, ngày 4/12 tại khách sạn Himawari, Phnom Penh, Bộ Giáo dục – Thanh niên và thể thao Campuchia phối hợp với UNESCO ra mắt Báo cáo Giám sát Giáo dục toàn cầu 2017/8.
Bà Anne Lemaistre, đại diện UNESCO tại Campuchia cho biết:
“Trong điều kiện hoàn cảnh của Campuchia, việc cải cách kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đã rất thành công về mặt trách nhiệm giải trình.
Thông qua cải cách này, những thí sinh tham gia kỳ thi đã nhận thức được rằng, họ cần phải thay đổi hành vi của mình.
Họ sẽ bị đánh rớt nếu không học tập chăm chỉ. Và tôi nghĩ rằng điều này có lợi cho Campuchia.”
Đại diện UNESCO nhận xét, giáo dục Campuchia đã có những tiến bộ vượt bậc về trách nhiệm giải trình.
Đất nước Chùa tháp đã có một số cải cách giáo dục, trong đó có cải cách quản lý tài chính công và thúc đẩy tính minh bạch.
Thi nghiêm mới mong học thật
Ngày 12/5, nhà giáo Đào Tuấn Đạt – thành viên Hội đồng Chuyên môn Trường trung học phổ thông Anhxtanh, Hà Nội có bài viết “Giáo dục không triết lý“, đăng trên mục Góc nhìn của Báo Điện tử VnExpress.
Trong bài viết này thầy Đạt cho hay, năm 2013 Thứ trưởng Bộ Tài chính Campuchia, Hang Chuon Naron, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục.
Không giống như dự đoán, việc đầu tiên ông làm là thực thi chính sách “không gian lận” trong giáo dục và thi cử, chứ không phải bắt đầu bằng các kế hoạch cải cách nhiều triệu USD.
Ông nói, tất cả việc chi tiêu – như chi tiêu cho sách giáo khoa, chi tiêu thêm cho các nguồn lực, ngay cả lương cao hơn cho giáo viên, nếu học sinh không chịu học, thì cũng không thể đạt hiệu quả.
Hệ thống giáo dục tưởng thưởng cho những vụ gian lận, phải được thay thế bằng một nền văn hóa xứng đáng có lợi cho những em chăm học.
Năm 2014, gần 90 nghìn học sinh Campuchia bước vào mùa thi tốt nghiệp chống gian lận đầu tiên và đã có hơn 60% thí sinh bị đánh trượt.
Kết quả chấn động dư luận. Học sinh biết rằng muốn thi đỗ, chỉ có cách duy nhất là phải học, chứ không thể tìm kiếm cơ may ở đền chùa và trông chờ vào việc quay cóp.
Việc bắt đầu bằng quyết tâm diệt trừ gian lận không những buộc học sinh phải chăm học mà còn làm bộc lộ khuyết tật của hệ thống.
Theo ông Bộ trưởng, nếu cứ nhắm mắt làm ngơ, thì đầu vào của sinh viên Campuchia sẽ có một lỗ hổng rõ rệt. Và như thế, không thể có một thế hệ trẻ có năng lực thật sự.
Những thông tin từ thầy Đạt khiến chúng tôi rất quan tâm tới cách làm giáo dục của Campuchia. Tìm hiểu qua truyền thông, chúng tôi được biết:
Năm 2014 sau khi tân Bộ trưởng Hang Chuon Naron siết chặt thi cử, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của Campuchia từ 80% năm 2013 đã tụt xuống còn 25,7%.
Tỉ lệ này tăng lên 41% trong đợt thi lại mấy tháng sau đó.
Năm 2015, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông Campuchia là 56%; năm 2016 là 62%; năm 2017 là 63,84%.
Trước cải cách thi cử, giám thị được hối lộ để nhắm mắt làm ngơ cho cha mẹ học sinh tuồn lời giải vào phòng thi, và do đó học sinh chẳng cần học.
Tiếp quản ghế Bộ trưởng, ông Hang Chuon Naron lập tức bắt tay vào siết chặt kỳ thi. Ông huy động được một lượng tình nguyện viên đông đảo tham gia chống tiêu cực trong thi cử.
Ông Song Soksan, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ Giáo dục – Thanh niên và thể thao Campuchia nhận xét:
“Học sinh đã thay đổi thái độ học tập và văn hóa học tập. Chất lượng học sinh phổ thông đủ khả năng tốt nghiệp và vượt qua kỳ thi tuyển sinh, tạo nền tảng tốt cho giáo dục đại học.”
Ở Campuchia, con số tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013 trước cải cách cũng “chỉ có” 80%.
Phải chăng những con số đẹp tuyệt đối trên 90%, thậm chí 99% đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông dường như xa lạ với nền giáo dục của đất nước Chùa Tháp ngay từ khi còn nhiều tiêu cực?
Minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình, đầu tư cho giáo dục mới hiệu quả
Ngày 5/12, The Phnom Penh Post dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục – Thanh niên và Thể thao Campuchia, ông Hang Chuon Naron cho biết:
Ngành giáo dục Campuchia đang tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm giải trình và tăng cường tính minh bạch. Mặc dù được UNESCO ghi nhận, nhưng Campuchia vẫn còn nhiều việc phải làm.
Cải cách giáo dục sẽ thúc đẩy Campuchia trở thành một xã hội học tập thực sự, nền tảng để xây dựng đất nước sáng tạo.
Campuchia đang bắt tay vào một cuộc hành trình phát triển, với tầm nhìn và mục tiêu biến đất nước Chùa Tháp trở thành một nước thu nhập trung bình vào năm 2030, trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Ngân sách quốc gia cho năm 2018 đã được thông qua bởi Quốc hội Campuchia trong tháng 11 cho thấy rằng, Campuchia đang làm việc hướng tới một xã hội sáng tạo hơn và toàn diện hơn.
Giáo dục, y tế và nông nghiệp đã được sự chú ý và đầu tư nhiều hơn trước.
Bộ Giáo dục – Thanh niên và Thể thao sẽ nhận được thêm 25% với số tiền 852 triệu USD (năm 2013 trước cải cách, ngân sách giáo dục Campuchia là 269 triệu USD).
Bộ Y tế sẽ nhận được thêm 16% với số tiền 487 triệu USD. Ngân sách của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản sẽ tăng lên gấp ba lần.
Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có ngành giáo dục Campuchia là đã chứng minh được kết quả cải cách đáng kể.
Chheang Vannarith, một chuyên gia phân tích Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore và Campuchia, nhận định:
Chính phủ Campuchia có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào giáo dục STEM và phát triển nguồn nhân lực, đó là chủ trương chỉ đạo đúng đắn.
Ngành giáo dục Campuchia là lĩnh vực hứa hẹn nhất. Cải cách bắt đầu từ thượng tầng còn chính sách bắt đầu từ bên dưới.
Cải cách giáo dục đã được tiến hành liên tục và mạnh mẽ, với sự lãnh đạo mạnh mẽ và chuyên nghiệp, nên đã tạo ra những kết quả ấn tượng.
Vì thế những người trực tiếp tiếp xúc với các lưu học sinh Campuchia như thầy Đào Tuấn Đạt mới thấy hết được sự thay đổi ngoạn mục, lột xác của nền giáo dục quốc gia này:
“Ngày trước, tôi thường phụ đạo miễn phí cho các lưu học sinh Campuchia theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Mặc định kiến thức nền tảng của các bạn ấy chưa tốt nên tôi chữa bài rất chậm và tỉ mỉ.
Đến bài khó tôi dừng lại hỏi, có ai thắc mắc gì không? Một lần có sinh viên hỏi: “Vận tốc là gì hả thầy?”.
Tôi thấy rất bối rối. Vì đang nói câu chuyện về con tàu siêu thanh, thì có bạn lại hỏi đi bộ là gì. Tôi hỏi cả lớp, có ai có câu hỏi tương tự không? Nhiều cánh tay giơ lên.
Chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu, giống như khi học bảng cửu chương vậy.
Vài năm gần đây, các lưu học sinh không cần nhờ tôi phụ đạo nữa, và số lưu học sinh Campuchia cũng ít đi. Tôi trò chuyện với họ thì biết giáo dục Campuchia đã có rất nhiều thay đổi.”
Bắt đầu từ giáo dục và nền tảng là giáo dục, các chính sách cải cách của Thủ tướng Hun Sen đã tạo ra những thành quả rất đáng ghi nhận.
Trong bài báo “Campuchia thăng tiến nhanh, thế mạnh Việt Nam đuối sức” của tác giả Bảo Phương đăng trên Báo Điện tử VietnamNet ngày 12/12 vừa qua, có đoạn:
Ngay cả với Campuchia, nếu Việt Nam đã có 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo, thì nước này mới chỉ có 5 năm.
Thế nhưng, gạo Campuchia nay đã có mặt ở trên 50 quốc gia và len lỏi vào được các thị trường khó tính như Mỹ, các nước EU (chiếm tới 60% lượng gạo xuất khẩu của Campuchia).
Trong khi Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn với 10 thị trường, chủ yếu là các nước có thu nhập trung bình và thấp ở châu Á, châu Phi.
Không chỉ vậy, giá gạo thơm chất lượng cao, gạo trắng cùng loại của Campuchia cũng có giá cao hơn gạo Việt từ 30-50 USD/tấn.
Không biết các bậc trí giả, các nhà hoạch định chính sách giáo dục ở 35 Đại Cồ Việt có suy nghĩ nào khi đọc những thông tin này?
Còn chúng tôi thực sự giật mình khi nhìn lại, người ta vẫn đang tranh luận có nên tiếp tục “cấm thi” tuyển sinh lớp 6 hay không, còn các nhà soạn sách giáo khoa thì đang cố nhét 2 – 3 môn vào 1 sách.
Khi các thầy chứng minh được cần phải tích hợp 3 môn Lý – Hóa – Sinh thành 1, 2 môn Sử – Địa vào 1 sách, thì có lẽ giáo dục Campuchia đã bỏ lại chúng ta một đoạn khá xa rồi.
(Nguồn: Giaoduc.net.vn)