Việc giảm giá điện mà chính phủ Campuchia đang tính đến chính là để giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí tăng cao cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Campuchia.
Chính phủ Campuchia đang tính đến giảm giá điện cho những công ty đang hoạt động tại Campuchia để bù lại cho việc chi phí lao động tăng quá cao khi chính sách lương tối thiểu được áp dụng, theo khẳng định của Bộ trưởng phụ trách đầu tư nước ngoài tại Campuchia.
Mới đây, Bộ trưởng phụ trách đầu tư của Campuchia, ông Sok Chenda Sophea, đã công bố kế hoạch 10 năm với mục tiêu tăng cường vai trò của Campuchia trong chuỗi cung ứng khu vực. “Trong chưa đầy sáu tháng nữa, chúng tôi sẽ có điện giá rẻ hơn”, Bộ trưởng Sok tuyên bố với báo Nikkei. Nhiều công ty sản xuất tại Campuchia trong thời gian gần đây đã không ngừng phàn nàn về việc giá điện tại Campuchia quá cao so với các nước láng giềng. Ông Sok hiện đang giữ chức Tổng thư ký của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC). CDC là cơ quan của chính phủ Campuchia chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư và viện trợ nước ngoài.
Theo giải thích của ông Sok, một số nhà máy điện mới đã bắt đầu được đưa vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu từ phía các nhà máy. Chính vì thế, từ năm 2018 trở đi, Campuchia sẽ tự chủ được về điện. Suốt nhiều năm qua, Campuchia phải nhập khẩu điện từ Thái Lan và Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen, mới đây đã yêu cầu chính phủ đặt ra mức lương tối thiểu cho người lao động Campuchia ở mức 170USD/tháng, mức này hiện nay như vậy cao gấp 3 lần so với năm 2011. Và việc giảm giá điện mà chính phủ Campuchia đang tính đến chính là để giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí tăng cao cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Campuchia.
Thời điểm năm 2011, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những ngành thâm dụng lao động ví như may mặc hoặc một số ngành công nghiệp nhẹ của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc tìm đến Campuchia bởi họ quan tâm đến việc lương lao động tại Campuchia thấp. Tuy nhiên, đến vừa rồi khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng cao, không ít doanh nghiệp đã thất vọng.
Bộ trưởng Sok tuy nhiên bảo vệ quan điểm của Thủ tướng Hun Sen. Ông khẳng định rằng một khi người lao động được nhận lương cao hơn, họ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn và nhờ vậy làm việc hiệu quả hơn, dù vậy ông vẫn thừa nhận mức lương lao động tăng lên sẽ khiến cho sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Campuchia giảm bớt.
Ông lý giải việc giảm giá điện mà chính phủ Campuchia đang hướng tới chính là để giảm bớt chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Khi nói đến kế hoạch thu hút đầu tư dài hạn vào Campuchia, ông Sok khẳng định: “Campuchia muốn trở thành một phần trong chuỗi cung ứng khu vực. Trong kế hoạch phát triển công nghiệp từ năm 2015 đến năm 2025, Campuchia muốn trở thành Trung Quốc +1 hoặc Thái Lan +1. Toyota sẽ sớm chuyển dây chuyền sản xuất từ Thái Lan sang Campuchia.”
(Nguồn: https://bizlive.vn)