Khu nghỉ dưỡng và vùng phát triển xung quanh vẫn được rêu rao như một thành tích nổi bật trong sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc.
Dự án “ma” gắn mác Vành đai – Con đường của TQ
Khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong, có vẻ còn cách khá xa Con đường Tơ lụa mà Trung Quốc đang xây dựng để nối châu Á với châu Âu.
Cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia 5 giờ lái xe, Dara Sakor từng được công ty Trung Quốc chủ quản gọi là khu nghỉ dưỡng casino có quy mô bằng một thành phố phục vụ “hoạt động ăn chơi, tiệc tùng xa hoa”.
Giờ đây, đó chỉ là một tập hợp ngổn ngang của những tòa khách sạn trống trải, các quầy bar vắng vẻ và một khu sòng bài chưa hoàn thiện trên một vùng bờ biển xa vắng của Campuchia. Phía sau khu nghỉ dưỡng là nền móng bụi bặm của một vùng đầu tư dự kiến trải dài cho tới một cảng container – bỏ không và dang dở.
Mặc dù có nhiều vấn đề, khu nghỉ dưỡng và vùng phát triển xung quanh vẫn được rêu rao như một thành tích nổi bật trong sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc.
Những dự án phát triển như Dara Sakor có vẻ trái ngược với cam kết của Trung Quốc rằng các dự án Vành đai – Con đường đều minh bạch, công khai và thân thiện với môi trường.
Dự án bắt đầu được khởi động vào năm 2008 sau khi Campuchia cho Tập đoàn Phát triển Tianjin (UDG – Trung Quốc) thuê 45.000 hec-ta đất của một công viên quốc gia trong vòng 99 năm. Việc này diễn ra từ rất lâu trước khi sáng kiến Vành đai – Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động năm 2013.
Có rất ít thông tin về dự án cũng như tiến độ và không rõ bao nhiêu tiền được đổ vào đó, cũng như bên nào được hưởng lợi.
Reuters dẫn nguồn tin người dân và những nhóm phi chính phủ cho biết, dự án gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng khi rừng bị phá để nhường chỗ cho các công trường xây dựng và khiến hàng nghìn người phải di dời. Người dân còn nói họ thấy dự án không tiến triển nhiều trong suốt 3 năm qua.
Khoản đầu tư 3,8 tỉ USD
Dựa trên thông tin đăng kiểm, UDG là một chi nhánh của Tập đoàn Tianjin Wanlong, một tập đoàn phát triển bất động sản Trung Quốc được thành lập năm 1994.
Theo báo cáo 2013 được Bộ Môi trường Campuchia ủy quyền, UDG dự định đầu tư 3,8 tỉ USD vào dự án, bao gồm cả một sân bay, trong đó chi 45 triệu USD cho cảng biển, 76 triệu USD để xây gần 110 km đường và 1,1 triệu USD để trồng cây, cũng như bảo vệ môi trường.
Phnom Penh Post dẫn nguồn UDG năm 2014 cho biết khoảng 10 triệu USD đã được phân bổ cho công tác bồi thường và tái định cư cho người dân.
Tuy nhiên, truyền thông địa phương cho hay, hơn 1000 gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án và UDG mắc kẹt trong nhiều vụ tranh chấp đất đai. Hồi tháng 3, chính phủ Campuchia đã yêu cầu Bộ Môi trường trả lại một số khu vực đất đai mà UDG cho là thuộc diện sử dụng về với người dân.
Một số người vẫn đang đòi thêm bồi thường và cho rằng UDG đã không trao cho họ những gì đã hứa hẹn.
Trái phiếu 100 triệu NDT
Theo Reuters, Dara Sakor trở thành một dự án Vành đai – Con đường vào năm 2017.
Tháng 5 năm đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) tiết lộ với Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) rằng ngân hàng này đã bao tiêu một trái phiếu “Vành đai và Con đường” trị giá 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD) để hỗ trợ UDG xây dựng một khu nghỉ dưỡng trên bờ biển Campuchia. Cái tên Dara Sakor không được nhắc tới.
Dự án cũng được đưa vào niên giám Vành đai – Con đường năm 2017 bởi một nhánh của Bộ Thương mại Trung Quốc, gọi là Khu vực Phát triển và Đầu tư Campuchia – Trung Quốc và được mô tả là “dự án lớn nhất trong sáng kiến Vành đai – Con đường tính tới nay”.
Biên tập cuốn niên giám Zhang Gaoping cho hay, tài liệu bao gồm những dự án được “tổ chức hướng dẫn” mà Bắc Kinh lập ra năm 2015 để quản lý sáng kiến lựa chọn. Tuy nhiên, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc, đơn vị giám sát tổ chức này, khẳng định chưa công nhận bất cứ dự án Vành đai – Con đường nào.
“Chúng tôi khuyến nghị các công ty đăng tải nhiều thông tin nhất có thể trước khi dự án được khởi động và đồng thời công khai các thông tin đó cộng đồng”, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc cho hay.
CDB cho biết, ngân hàng này đã rót tiền cho hạ tầng như đường, hệ thống nước, trạm điện và chính phủ hai nước cũng đã đồng ý hợp tác thực hiện dự án trong một chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10/2016.
Mặc dù ngành du lịch thường được viện dẫn trong các dự án Vành đai – Con đường nhưng sáng kiến này cơ bản liên quan tới hạ tầng phục vụ cho việc phát triển các tuyến thương mại.
Tuy nhiên, nhiều dự án không liên quan đang được gắn mác Vành đai – Con đường để dễ dàng được thông qua hơn và tiếp cận với đầu tư, các nhà phân tích cho hay.
Jonathan Hillman, một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đặt tại Washington cho rằng, thiếu sót trong kiểm soát chất lượng khiến Trung Quốc đứng trước nguy cơ mất danh tiếng.
(Nguồn: http://www.tinmoi.vn)