Các công ty thời trang đã mở rộng sản xuất ở Đông Nam Á thay vì Trung Quốc dưới tác động của cuộc chiến thuế quan. Các quốc gia như Campuchia và Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Trong khi chính quyền Tổng thống Trump áp đặt thuế quan lên các sản phẩm nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn nhất trong năm nay, Mỹ vẫn miễn thuế một số sản phẩm của Campuchia khi tiếp cận thị trường Mỹ.
“Việc chuyển đổi đang được diễn ra”, Steve Lamar, Phó Giám đốc điều hành Hiệp hội Trang phục và Giày dép Mỹ cho biết. Các cuộc thảo luận về thuế quan đã gây ra nhiều lo lắng và các công ty đang tìm cách có thể thay đổi nguồn cung ứng.
Giám đốc điều hành hãng thời trang Steven Madden, Edward Rosenfeld cho biết, họ đã chuyển sản xuất túi xách sang Campuchia từ Trung Quốc. 15% túi xách của hãng đến từ Campuchia trong năm nay, với tỷ lệ này dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2019.
Tapestry, công ty sản xuất túi xách của hãng Kate Spade, đã áp dụng một chiến lược tương tự, thúc đẩy sản xuất ở Việt Nam và chỉ để lại dưới 5% nguồn cung từ Trung Quốc. Vera Bradley, trong khi đó, đã đề cập đến tháng 12 năm ngoái họ đang xem xét việc chuyển các hoạt động sản xuất đến Campuchia và Việt Nam từ Trung Quốc.
“Campuchia cung cấp các ưu đãi đầu tư khá tốt”, ông Matt van Roosmalen, giám đốc quốc gia của Emerging Markets Consulting – một công ty tư vấn đầu tư tập trung vào khu vực Đông Nam Á nhận định. “Việc miễn giảm thuế quan sẽ khuyến khích các công ty đầu tư nhiều hơn vào năng lực sản xuất tại Campuchia.”
Động thái dịch chuyển sản xuất đã có tác động ở Trung Quốc: Công ty Stella International Holdings Ltd. có trụ sở tại Hồng Kông – sản xuất giày dép cho các thương hiệu như Prada và Guess? Inc. – đã chứng kiến sự sụt giảm cổ phiếu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 khi Trung Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc chiến thương mại.
Ngay cả trước khi Trung Quốc và Mỹ leo thang căng thẳng thương mại, Campuchia được hưởng các đặc quyền miễn thuế đối với các sản phẩm như túi xách, va li và ví, một phần thuộc chương trình giúp thúc đẩy phát triển ở các nước có thu nhập thấp của Mỹ. Quy định này cho đến nay vẫn được chính quyền Tổng thống Trump duy trì.
Ngoài mối đe dọa thuế quan, chi phí lao động thấp ở Campuchia cũng là một lợi thế. Theo ước tính của Oxford Economics, chi phí lao động ở Campuchia chỉ bằng 1/4 của Trung Quốc.
“Nhưng thực tế, thật không may, là chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc là không phải là điều dễ dàng,” ông Lamar nhận định.
Một lý do là năng suất lao động của Campuchia thấp so với Trung Quốc. Năng suất lao động trung bình của lao động Campuchia là khoảng 50 đến 60% của công nhân Trung Quốc.
Một lý do nữa là cơ sở hạ tầng của Campuchia “thua xa” Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng của quốc gia này xếp hạng 106/137, xếp sau hàng xóm Việt Nam và Lào trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
(Nguồn: Trí Thức Trẻ)