Do có ít hình thức lựa chọn đầu tư cũng như chưa thật sự phát triển mạnh nên thị trường vốn Campuchia chưa đủ sức hấp dẫn để các công ty bảo hiểm rót vốn vào dù rằng ngành bảo hiểm tại Vương quốc này phát triển rất mạnh mẽ và có một lượng vốn khổng lồ chưa được “khai thác”, Phnom Penh Post đưa tin.
Chính sự khan hiếm các phương thức đầu tư tại thị trường vốn Campuchia đã buộc các công ty bảo hiểm tại Vương quốc này phải tìm kiếm lợi nhuận từ tiền bảo hiểm thay vì lợi nhuận từ hoạt động đầu tư. Theo các nhà lãnh đạo trong ngành bảo hiểm, nếu như Chính phủ có thể đưa ra nhiều phương án lựa chọn về các chứng khoán có thể đầu tư thì thị trường này sẽ thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư từ lĩnh vực bảo hiểm.
Theo Chủ tịch Huy Vatharo của Hiệp hội Bảo hiểm Campuchia (IAC): “Chính phủ phải hỗ trợ việc phát triển một thị trường chứng khoán quan trọng và đa dạng tại Campuchia để mang lại nhiều hình thức đầu tư phù hợp cho các công ty bảo hiểm tìm cách đa dạng hóa việc đầu tư vốn và nguồn dự trữ của họ”.
Được biết, ngành bảo hiểm Campuchia đã thể hiện xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi công ty bảo hiểm quốc doanh đầu tiên được thành lập vào năm 1990. Hiện Campuchia có 7 công ty bảo hiểm trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm tổng quát. Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ mới được giới thiệu tại Vương quốc này vào năm 2012 và hiện có 4 công ty bảo hiểm cung cấp loại hình bảo hiểm này.
Tại những nước phát triển, các công ty bảo hiểm đóng vai trò là những nhà đầu tư tổ chức chiếm ưu thế trên thị trường tài chính, họ đầu tư một lượng vốn khổng lồ vào cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm tại Campuchia, do những hạn chế về cơ hội đầu tư, khi thị trường vốn trong nước chỉ mới có 5 doanh nghiệp niêm yết và chưa có phát hành trái phiếu, nên đa số các nguồn vốn có thể đầu tư đều được rót vào thị trường bất động sản hoặc gửi tại ngân hàng hoặc được đưa vào sử dụng cho kế hoạch phát triển doanh nghiệp.
Theo ông Vatharo, tổng doanh thu từ phí bảo hiểm trong 5 năm qua đã tăng gấp 4 lần, từ mức 30.2 triệu USD trong năm 2011 đã tăng lên 113.6 triệu USD trong năm 2016, nhưng tổng vốn đầu tư rót vào chứng khoán vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, theo ông Vatharo, hiện xu hướng rót vốn từ lĩnh vực bảo hiểm vào thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu tăng dần khi các doanh nghiệp bảo hiểm đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ. Ông nói: “Thị trường chứng khoán Campuchia chưa phổ biến để các công ty bảo hiểm sử dụng như một phương thức đầu tư. Tuy nhiên, một số công ty thuộc lĩnh vực này gần đây đã đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết. Dù quy mô đầu tư của họ không lớn lắm nhưng điều này cho thấy rằng các công ty bảo hiểm đã bắt đầu đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ”.
Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, theo Giám đốc điều hành Youk Chamroeunrith của Công ty Forte Insurance, nếu như điều kiện được cải tiến thì thị trường vốn Campuchia sẽ thu hút được một lượng lớn dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp bảo hiểm, qua đó sẽ thúc đẩy thị trường này tăng trưởng mạnh hơn.
Ông nói: “Tình hình hiện nay đó là môi trường đầu tư tại Campuchia chưa được tốt lắm và đó chính là lý do khiến các công ty bảo hiểm tìm kiếm lợi nhuận từ doanh thu bảo hiểm thay vì lợi nhuận từ hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, nếu như các công ty bảo hiểm có thể đầu tư vào các thị trường vốn, điều này sẽ giúp nền kinh tế Campuchia tăng trưởng, qua đó cũng sẽ tạo điều kiện để họ thu được lợi nhuận từ đầu tư”.
Ông Chamroeunrith cho biết, trong khi Forte Insurance có truyền thống đầu tư vốn vào thị trường bất động sản và gửi tiền vào ngân hàng thì công ty này cũng đã đầu tư một phần nhỏ vốn vào cổ phiếu của một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước và vốn góp tư nhân. Theo ông Chamroeunrith, tính thanh khoản kém của thị trường vốn chính là nguyên nhân khiến các công ty e ngại đầu tư với quy mô lớn vào thị trường này.
Theo ông Antoine Fontaine, người đồng sáng lập Công ty Bun & Associates – một công ty luật hàng đầu tại Campuchia, các công ty bảo hiểm có ít lựa chọn khi muốn đầu tư khoản “tiền nổi”, khoản chênh lệch giữa doanh thu phí bảo hiểm và khoản tiền để chi trả tiền bảo hiểm, cũng như khoản tiền mặt sẵn có của họ.
Ông nói: “Sàn chứng khoán trong nước vẫn còn non trẻ, tham gia vào thị trường bất động sản thì rất hạn chế đối với các công ty nước ngoài, còn vốn góp tư nhân lại thường được xem là không đủ tin cậy hoặc không có tính thanh khoản cao, và trái phiếu Chính phủ thì vẫn chưa được phát hành”.
Ngoài ra, các công ty bảo hiểm phải đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu, tức họ phải ký gửi 10% vốn điều lệ tại Kho bạc Quốc gia, đồng thời họ cũng phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng thanh toán thông qua việc phải ký gửi thêm 50% vốn điều lệ tại một ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, cũng có những hạn chế về phương pháp đầu tư “tiền nổi” của họ.
Theo ông Fontaine, nghị định về kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2001 của Campuchia quy định ít nhất 75% vốn dự trữ của các công ty bảo hiểm phải được đầu tư trong nước, nhưng thực tế thì điều này rất hiếm xảy ra do thiếu các phương thức tái đầu tư.
Ngoài những hạn chế cũng như các yêu cầu của Chính phủ kể trên, theo ông Robert Elliott, CEO kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Bảo hiểm Manulife Cambodia, các công ty bảo hiểm tại Campuchia cũng có những hạn chế về chính sách đầu tư nội bộ của họ. Như đối với Manulife, công ty này có những hướng dẫn tương đối khắc khe về việc đầu tư vào kênh nào để bảo vệ được tài sản của khách hàng. Bên cạnh đó, theo ông Elliott, Manulife cũng cần phải đảm bảo sự cân đối giữa nợ và tài sản của mình.
Ông Elliott cho biết thêm, hiện Manulife đang gửi khoản “tiền nổi” tại ngân hàng nhưng cũng có dự định sẽ đa dạng hóa các loại tài sản của công ty khi thị trường tài chính của Campuchia thật sự phát triển. Công ty sẽ tiếp tục quan sát tình hình phát triển của thị trường vốn Campuchia, bao gồm thị trường chứng khoán, để có thể sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả.
Theo ông Elliott, các công ty bảo hiểm có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua thị trường vốn của Campuchia vì họ có một lượng vốn khổng lồ đầy tiềm năng để đầu tư vào chứng khoán trong nước.
(nguồn: https://vietstock.vn)