Campuchia là một quốc gia có rất nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá hết, từ các nền kiến trúc cổ xưa cho đến văn hoá xã hội con người tại nơi đây. Có rất nhiều điều để tạo nên những điểm nhấn đặc sắc cho vùng đất này, hãy cũng khám phá 20 điều thú vị mà có thể bạn chưa bao giờ được biết nhé!
1. Vóc dáng con người: Cùng dân châu Á, da vàng, mũi tẹt nhưng nước da người Khmer đậm hơn. Lông mi dài và cong, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, tóc thường xoăn ít hoặc hoe nắng vì không đội nón. Đầu tóc là thứ linh thiêng nên tối kỵ xoa đầu.
2. Nhà cửa: Hầu hết đều ở nhà sàn (trừ các trung tâm phố thị) và không tràn ra đường lộ, giành nhau mặt tiền. Ở quê, nhà vệ sinh thường là trong vườn, kiểu đào lấp. Vườn không thấy hoa, hay bầu bí. Trụ sở cơ quan nhà nước khiêm tốn. Chỉ có nhà chùa là tươm tất nhưng thua xa chùa Việt Nam.
3. Giao thông: Đường hẹp, ít đường ngang, xe ít bóp còi và gần như không có hẻm, không thấy cảnh sát giao thông. Cả nước không có trạm thu phí nào. Rất ít taxi vì xe hơi quá rẻ, nhà nào cũng có. Giao thông công cộng kém, chỉ có vài tuyến xe buýt ở Phnom Penh. Chủ yếu là các loại tuk tuk, moto remork (xe gắn máy kéo), xe ôm.
4. Trang phục truyền thống: Nữ mặc xà rông, loại váy dài, rộng quấn lại. Nam là xăm puot, váy rất rộng, quấn chính giữa thành ống quần. Khăn K’mar đa năng, có thể quấn cổ, đội đầu, làm quần ngắn của nam, buộc thức ăn, địu hoặc làm võng cho em bé và trói kẻ thù. Các màu nóng, đậm được ưa chuộng.
5. Điện: Campuchia chưa có lưới điện quốc gia. Thường phải mua từ Việt Nam, Lào, Thái Lan. Thiếu và yếu, thường xuyên bị cúp nên các công ty, nhà hàng, khách sạn lớn đều dùng máy phát riêng. Buổi tối, trừ vài trung tâm mua sắm ở Phonm Penh, Siem Reap, Sihanouk; hầu hết đường phố tối om. Vùng quê chỉ dùng máy phát hoặc bình. Củi vẫn là chất đốt phổ biến ở vùng quê.
6. Y tế: Chỉ tập trung ở các đô thị. Bảng hiệu “Chữ thập màu đỏ” là y tế nhà nước, rất ít; đa phần là “Chữ thập màu xanh”, y tế tư nhân, từ các hiệu thuốc, phòng khám, bệnh viện… Người Campuchia đi khám bệnh và chữa trị ở Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM rất đông. Họ trả tiền khám và mua thuốc như người Việt. Người bệnh và chăm sóc bệnh được ưu tiên nhập cảnh vào Việt Nam.
7. Nông lâm ngư nghiệp: Gạo Rumduol (tiếng Phạn là hoa Thị, quốc hoa của Campuchia) ngon nhất thế giới. Nông nghiệp chưa lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Gia cầm, gia súc đều thả rông; thủy và hải sản đánh bắt tự nhiên nên chất lượng hơn hẳn. Rừng nhiều nên gỗ lền khên. Bàn, giường toàn nguyên miếng, dày 20 cm trở lên, đường kính vài mét.
8. Chữ viết: Thuộc nhóm văn hóa ăn bốc, viết chữ Phạn. Viết câu không có chấm, phẩy… Các dấu lớn khác chữ Việt Nam. Dấu được đặt trước, sau, trên, dưới các chữ cái. Cách phát âm từng chữ và đánh vần như chữ Việt, nói số thì ngược (hai con nói thành con hai).
9. Tiếng nói: Tiếng Khmer không có âm “Tr”, chỉ có âm “T’ r”. Bắt đầu câu thường bằng từ “Xum” (giống từ Xin – tiếng Việt và một phần từ Please – tiếng Anh). Kết thúc câu luôn bằng “Baat” – dành cho nam, “Chaa” – dành cho nữ, giống từ “Dạ, Vâng”.
10. Ngôn ngữ pha trộn: Nhiều từ tiếng Khmer vay mượn tiếng Việt như “kho, quay, xeo, troi nuoc, bot loc…” (ẩm thực); mung, ao… (vải vóc). Tiếng Việt cũng mượn tiếng Khmer như “Thao lao (xrao lao, cây bằng lăng), Bưng” (bang, hồ lớn, đần nước rộng). Nhiều địa danh ở Campuchia có tiếng Việt như Nam Vang (Phnom Penh), cầu Sài Gòn (cầu Minovong), Biển Hồ (Tonsle Sap Bâng, Tonsle Sap Lake), Đế Thiên Đế Thích (Angkor Thom, Angkor Watt), núi Hồng (núi Kelen). Tôi có đặt tên cho thác và hồ rất đẹp ở đảo Rong Saloem, tỉnh Sihanouk là thác và hồ Pha Lê vào hè năm 2014.
11. Cách chào: Hai bàn tay chụm lại giống hình búp sen. Để trước ngực là chào bạn bè, con cháu. Ngang miệng (dưới mũi) chào tôn trọng. Để dưới trán là chào sư sãi, ông bà, thầy cô, cha mẹ. Để trên trán, qua đầu là chào vua. Qua Việt Nam, thấy hai vợ chồng cãi nhau, chồng cãi không lại chấp tay khỏi đầu vái “Thua, tôi lạy bà”, họ tưởng người Việt xem vợ to nhất, gấp mấy lần vua!
12. Ăn uống: Người Khmer ăn khô mà nướng là chủ yếu, tiếp đó là xào. Vì ăn bằng tay nên luôn có pantuol (chén nhỏ) đựng nước. Nhà nghèo dùng gáo dừa. Nhà khá dùng chén đồng, nhà giàu dùng chén bạc, vua dùng chén vàng. Khẩu vị là ngọt, béo, chua, cay, đắng. Trên bàn ăn, nhất là ăn sáng luôn có hũ đường cát và ly nước sôi để trụng muỗng, đũa. Món ăn không nấu sẵn mà luôn chế biến tại chỗ.
13. Món ngon: Các món ăn góp phần tạo nên văn hoá ẩm thực của người Khmer là B’ hooc Ling ( mắm chưng), B’ hooc Ang (mắm nướng), Num Kanh Chop (cà ri bún cá), Samlo K’co (một dạng kiểm), Kuitiu (hủ tíu), lạp xưởng Siem Reap, các loại khô Biển Hồ (coi chừng nhầm với khô miền Tây)… Quảng cáo tràn ngập bia rượu nhưng người dân chỉ khoái nước ngọt. Các đặc sản từ Thnot như nước ngọt, nước chua (bia lên men), chè, đường… rất dễ nhầm hàng kém chất, pha tạp.
14. Miễn vé tham quan: Campuchia có 3 di sản thế giới vật thể là quần thể Angkor (Siem Reap), đền Preah Vihear (Preah Vihear), quần thể Sambor Preikuk (Kampong Thom). Các di sản thế giới và di sản quốc gia đều miễn vé cho người Khmer và người sinh ở Khmer vì “Đó là di sản tổ tiên để lại cho con cháu người Khmer” nên chỉ bán vé cho người không phải Khmer.
15. Ở rể: Sự tích “Núi nàng – Núi chàng” ở Kampong Cham (giống sự tích “Ao Bà Om” ở Trà Vinh) đã phân định con gái Campuchia cưới chồng nên con trai ở rể. Họ giải thích rằng “Chồng là trụ cột trong nhà, thường xuyên đi làm xa nên con gái ở với mẹ mình tiện hơn. Khi ốm đau hay đẻ chửa, mẹ ruột cũng chăm mình tốt hơn”. Một cách nghĩ nhân văn và hợp lý.
16. Tôn giáo: Phật giáo là quốc giáo, hệ phái Phật Giáo Nguyên Thuỷ (Theravada). Chư tăng phải thọ đủ 227 giới, trong đó có một số giới như: Không sát sinh (được ăn thịt cá với tạm tịnh nhục: Không nghe, không nghĩ và không thấy con vật đó bị giết cho mình ăn), Không ăn sau giờ ngọ (12g trưa), Không tụ tập chỗ đông người, Không dùng nước hoa mỹ phẩm, Không chung đụng người khác phái”, … Người đứng đầu là các bậc Trưỡng Lão. Thanh niên phải vào chùa làm lễ “Xuất gia gieo duyên” trước khi vào đời. Cả Campuchia chỉ có xá lợi Phật duy nhất ở cố đô Oudong tỉnh Kampong Speu, cách Phnom Penh 42 km.
17. Văn nghệ: Múa cung đình, di sản văn hóa thế giới phi vật thể với hình ảnh các Apsara (tiên nữ) và múa dân gian là hai thể loại đặc trưng văn hóa Khmer. Lamthon là điệu dân vũ phổ biến nhất. Bài hát phổ thông nhất là Oxvai Chanti (cây điều, còn gọi là đào lộn hột). Người Khmer tối kỵ đụng chạm khác phái nếu không được đồng ý, kể cả bắt tay, nhất là các vùng quê.
18. Tiếng Việt: Là ngôn ngữ phổ biến nhất ở Campuchia sau tiếng Khmer. Số người Khmer biết tiếng Việt gấp cả trăm lần người Việt biết tiếng Khmer. Thủ tướng, nhiều Bộ trưởng và quan chức Campuchia đều nói và viết được tiếng Việt. Tiền đồng Việt Nam cũng được dùng khá phổ biến, chỉ sau đồng Riel Campuchia và sau USD. Tỉ giá Riel và USD ổn định từ gần 30 năm nay. Đồng 2 USD không có giá trị.
19. Tết Chol Chnam Thmey (Vào năm mới): Chung với Lào – Bumimey, Thái Lan – Songkran, Myanmar – Thangyan… từ 15 – 17.4. Giao thừa không cố định mà tùy theo từng năm, có khi vào ban ngày. Tết Khmer đơn giản, chủ yếu là nghỉ ngơi, thăm viếng cha mẹ, người thân, viếng chùa. Người chết được hỏa táng.
20. Không phải của mình thì không lấy: Chân lý của Phật giáo là đặc trưng bản chất thật thà của người Khmer (họ tuân theo giới luật: Cố ý tránh xa sự trộm cắp, lấy cảu không cho). Hiếm thấy nạn ăn cắp vặt, móc túi hay trấn lột người mua. Xe hơi để ngoài đường không ai dám bẻ kính, gỡ mạc, tháo mâm… Gia súc gia cầm thả rông, nông sản thu hoạch bỏ ngoài đồng. Quốc lộ 6 từ Phnom Penh lên Siem Reap, đoạn đường qua huyện Chi Kraeng, phải uốn cong để tránh và bảo tồn hàng chục cầu đá ong cổ. Cả ngàn năm, những cây cầu gần như nguyên vẹn, không mất một viên đá.
Nguyễn Văn Mỹ (Cựu quân nhân tình nguyện và chuyên gia ở CPC).