Ngày 29/7 tới, người dân Campuchia sẽ đi bỏ phiếu bầu 125 nghị sĩ trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI. Cương lĩnh tranh cử của 20 chính đảng tham gia cuộc bầu cử này tuy khác nhau, nhưng phần lớn tập trung vào các chủ đề về kinh tế-xã hội, chống tham nhũng, tạo nguồn nhân lực và đặc biệt là giải quyết vấn đề việc làm cho nhân dân.
Có thể nói, cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới ở Campuchia rất quan trọng. Đây là cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI kể từ khi Campuchia tiến hành cuộc bầu cử đa đảng vào năm 1993 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Đối với các đảng chính trị, đảng nào có số ghế trong Quốc hội nhiều hơn sẽ được quyền thành lập nội các và điều hành Chính phủ. Còn đối với người dân, kết quả của cuộc bầu cử liên quan mật thiết đến đời sống của họ thông qua các quyết sách của Chính phủ trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Chính vì vậy, để đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra thành công, theo Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC), khoảng 70.000 nhân viên an ninh sẽ được điều động bảo vệ tại 22.967 điểm bỏ phiếu trên cả nước.
Dân chủ, công bằng và tinh thần trách nhiệm cao
Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC), 20 chính đảng đã chính thức được công nhận tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI diễn ra ngày 29/7/2018.
Thực tế, ở Campuchia hiện nay có khoảng 60 đảng phái chính trị. Tuy nhiên, phần lớn các đảng đăng ký nhưng không có điều kiện hoạt động, chỉ có khoảng 10 đảng đủ khả năng tham gia tranh cử thường xuyên. Cụ thể như cuộc bầu cử Hội đồng phường, xã vừa qua, chỉ 12 đảng có điều kiện tham gia tranh cử.
Nếu so với con số 8 đảng tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khóa V năm 2013, thì số lượng các đảng tham gia tranh cử lần này tăng gần gấp ba. Tuy nhiên, theo giới quan sát, ngoài Đảng nhân dân Campuchia (CPP), cuộc bầu cử năm nay không có đảng phái nào đủ lớn. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa trước, các cử tri bầu 123 ghế nghị sĩ, với kết quả Đảng CPP giành được 68 ghế và Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập (nay đã bị giải thể) được 55 ghế. Phát ngôn viên của Hội đồng Bộ trưởng Phay Siphan cho rằng, mặc dù cuộc bầu cử sẽ không có một đảng đối lập lớn, nhưng dân chủ ở Campuchia vẫn tiếp tục phát triển. Việc mất một đảng không có nghĩa là mất dân chủ ở Campuchia. Các đảng khác đã đăng ký với NEC để cạnh tranh với CPP, và điều này cho thấy sức mạnh của người dân là lành mạnh và dân chủ đang trở nên mạnh mẽ hơn.
Thêm nữa, theo Reuters, Campuchia đã mời các nhà quan sát quốc tế theo dõi cuộc bầu cử vào tháng Bảy. NEC cho biết có 50.000 quan sát viên, trong đó có một số đến từ Trung Quốc, Myanmar và Singapore, sẽ theo dõi cuộc tổng tuyển cử. NEC nói rằng sự tham gia của các nhà quan sát nước ngoài cho thấy cuộc bầu cử là cởi mở và toàn diện. Ông Dim Sovannarom, người phát ngôn của NEC, nói việc mời đông đảo quan sát viên quốc tế cho thấy cuộc bầu cử hoàn toàn công khai, toàn diện và đạt được lòng tin của công chúng. Ông cũng cho biết thêm, NEC đã nhận được đăng ký của 5.711 quan sát viên từ các tổ chức phi chính phủ và các hội đoàn; một số quan sát viên quốc tế từ Hội nghị Quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP).
Nhận định về số quan sát viên tăng kỷ lục, người phát ngôn Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Quốc vụ khanh Phay Siphan cho rằng điều này sẽ xua tan những chỉ trích, và bảo đảm rằng các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức với tinh thần trách nhiệm cao. Còn theo chuyên gia bầu cử Yoeurng Sotheara, sự tham gia của quan sát viên trong nước và quốc tế đối với cuộc bầu cử có giá trị về mặt chính trị, tạo tính chính danh của cuộc bầu cử trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Thêm vào đó, ngày tổ chức bầu cử cũng được thông báo rất sớm. Ngay từ tháng 7 năm ngoái, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ký Quyết định chọn ngày 29/7/2018 là ngày bầu cử Quốc hội khóa VI (2018 – 2023). Việc ấn định ngày bầu cử sớm là để cho các đảng phái chính trị có nhiều thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử.
“Nhân dân hoàn toàn ủng hộ đảng Nhân dân”
Bắt đầu từ ngày 7/7, tất cả 20 chính đảng tham gia tranh cử đều ra quân vận động bầu cử. Đảng nào cũng đưa ra cương lĩnh với những ưu điểm nổi trội của mình, nhưng đa số đều tập trung vào các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân, từ chuyện chống tham nhũng cho đến công bằng xã hội, thúc đẩy kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho người dân…
Trong cuộc bầu cử lần này, đảng CPP cầm quyền của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đưa ra cương lĩnh tranh cử thúc đẩy đoàn kết dân tộc, tôn trọng hiến pháp, bảo vệ chế độ quân chủ, nâng cao quyền dân chủ, tự do, bảo vệ luật pháp và công bằng xã hội; đồng thời, bảo vệ độc lập chủ quyền, hòa bình và an ninh quốc gia; cũng như phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hàng năm 7%; giảm nghèo
1%/năm. Phát biểu tại chiến dịch tranh cử, Chủ tịch CPP, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh “bỏ phiếu cho CPP là bỏ phiếu cho hòa bình và phát triển”. Với khẩu hiệu củng cố đoàn kết dân tộc, đảng CPP mong muốn tiếp tục xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định, thịnh vượng và nhiều phúc lợi cho người dân trong nhiệm kỳ tới.
Theo giới quan sát, tuy có nhiều chính đảng tham gia, nhưng kết quả bầu cử được đa số dự báo sẽ là chiến thắng vang dội của Thủ tướng Hun Sen.
Thực vậy, một ưu thế cho đảng CPP cầm quyền là những thành tựu kinh tế xã hội mà Campuchia đạt được trong thời gian gần đây. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 5 cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia dự kiến đạt khoảng 6,9% trong năm nay. Theo WB, dòng chảy đầu tư nước ngoài và đầu tư vào cơ sở hạ tầng trung hạn là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển và năng lực sản xuất của Campuchia. Riêng trong quý I năm nay, Campuchia đã xuất khẩu gần 40.000 tấn mủ cao su tự nhiên, thu về hơn 57 triệu USD cho ngân sách quốc gia.
Đặc biệt, sau 45 năm gián đoạn, ngày 4/7 vừa qua, Campuchia đã thử nghiệm hoạt động vận tải trên tuyến đường sắt từ thủ đô Phnom Penh đến thành phố Poipet giáp biên giới với Thái Lan có tổng chiều dài 385 km. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng giúp trong tương lai, mạng lưới đường sắt của Campuchia có thể vươn tới Thái Lan và từ Thái Lan để sang Singapore, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đi lại của người dân Campuchia và Thái Lan đồng thời giúp người dân tiết kiệm đáng kể chi phí so với di chuyển bằng ô tô. Thủ tướng Hun Sen cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn đưa Campuchia trở thành một nước có thu nhập trên trung bình. Chính vì thế cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, nếu đảng CPP cầm quyền tiếp tục được người dân Campuchia đặt niềm tin, thì mục tiêu trên sẽ được chú trọng thực hiện. Thủ tướng Hun Sen cũng không quên kêu gọi người dân Campuchia hãy bầu chọn cho CPP để đảng của ông có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước hoàn thành những mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, duy trì hòa bình và phát triển bền vững.
Nhiều người dân Campuchia đã xuống đường ủng hộ Thủ tướng Hunsen và đảng CPP cầm quyền. Trong không khí tưng bừng của chiến dịch tranh cử, ông Ru Thy, một đảng viên lão thành của CPP bày tỏ: “Trong cuộc bầu cử lần này, tôi tin tưởng rằng đảng Nhân dân sẽ giành chiến thắng 100%. Bởi vì đảng Nhân dân đã lãnh đạo đất nước rất tốt, đất nước ngày càng phát triển rực rỡ”. Bà Sray Khon, một công dân thủ đô, thì kêu gọi: “Xin mọi người cố gắng đi bầu cử và ủng hộ cho đảng Nhân dân với mã số 20. Tôi tin tưởng rằng đảng Nhân dân sẽ thắng 100%, bởi vì tôi biết là nhân dân hoàn toàn ủng hộ đảng Nhân dân”. Doanh nhân Chan Da ở Phnom Penh nhận xét: “Nói chung bầu cử là hình thức rất công bằng để chọn ra người lãnh đạo cho đất nước. Tôi nghĩ rằng trong cuộc bầu cử lần này, đảng CPP sẽ giành chiến thắng vì CPP là đảng duy nhất đã lãnh đạo đất nước từ hai bàn tay trắng và đưa đất nước ngày càng phát triển. Còn các đảng khác thì tôi thấy họ không làm gì và không có chủ trương, chính sách nào rõ ràng”.
Dần sẽ bầu cho ai vì dân
Lịch sử đã chứng minh, vượt qua vô vàn khó khăn sau thảm họa Pol Pot, CPP vẫn từng bước đưa đất nước tiến lên. Đây là đảng duy nhất điều hành Chính phủ trong suốt 5 nhiệm kỳ qua, từng bước xây dựng đất nước Campuchia từ con số không sau chiến tranh, đời sống nhân dân khó khăn nay đã trở thành một đất nước hòa bình, ổn định và phát triển.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thủ tướng Hunsen và đảng CPP, Campuchia từ môt nước bất ổn trở thành một nước tự do, hòa bình, ổn định với hơn 5,6 triệu lượt du khách năm 2017; Từ một nước dưới sự quản lý của chế độ độc tài Pol Pot trở thành một quốc gia dân chủ, tự do, đa đảng và nhân quyền với các cuộc bầu cử tự do, công bằng và tôn trọng các quy định của pháp luật; Từ một nước bị cấm vận kinh tế và chính trị trở thành một quốc gia tích cực hội nhập khu vực và thế giới; Từ nền kinh tế bị tàn phá, thiếu lương thực trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu và tăng trưởng kinh tế ở mức cao – GDP trung bình đạt 7,7%/năm, đồng thời hoàn tất mục tiêu xóa đói giảm nghèo…
Còn rất nhiều thành tựu đáng kể mà Thủ tướng Hun Sen và đảng CPP đã làm để Campuchia phát triển được như hôm nay. Nhưng tựu chung lại, chọn đúng người lãnh đạo cho đất nước mình, những thành tích đó sẽ thuộc về nhân dân.
20 chính đảng đã được công nhận tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI diễn ra ngày 29/7/2018 gồm: Đảng Dân tộc Khmer; Đảng Tổ quốc của chúng ta; Đảng Ngọn nến mới; Đảng Quốc tịch Campuchia; Đảng Khmer Đứng lên; Đảng Dân chủ Xã hội tổ ong; Đảng Dân chủ Cơ sở; Đảng Dân chủ Cộng hòa; Đảng Tia sáng Khơmarak; Đảng Liên minh Dân chủ; Đảng Cộng hòa Khmer; Đảng Chống nghèo Khmer; Đảng Funcinpec; Đảng Phát triển Kinh tế Khmer; Đảng Thanh niên Campuchia; Đảng Dân chủ; Đảng Tự do Khmer; Đảng Dân chủ Bản địa Campuchia; Đảng Khmer Thống nhất và Đảng Nhân dân Campuchia.
Theo dự kiến, Quốc hội Campuchia khóa VI sẽ được thành lập vào tháng 9/2018.
(Nguồn: http://baoquocte.vn)