Sau khi được Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York (Mỹ) trả lại 2 bức tượng Khmer có niên đại từ thế kỷ thứ 10 bị đánh cắp khỏi đất nước này hồi đầu thập niên 1970, Campuchia đang tiếp tục yêu cầu các bảo tàng khác kiểm tra lại tất cả các cổ vật Khmer mà họ có được sau năm 1970. Đây là thời gian của cuộc nội chiến và diệt chủng kéo dài 20 năm đã tạo điều kiện cho những tên trộm tự do cướp phá cổ vật tại các ngôi đền cổ của đất nước này.
Campuchia chảy máu khá nhiều cổ vật, nhất là từ thời chinh chiến loạn lạc và đó là cả một thế giới cổ vật gần như không người kiểm soát. Ở Campuchia, tốc độ đào bới và ăn trộm cổ vật diễn ra ngày một nhanh hơn. Hiện có hàng trăm cổ vật Campuchia nằm tại các bảo tàng Mỹ, cũng như trong tay nhiều tổ chức nước ngoài và các nhà sưu tập tư nhân. Rất hiếm khi cổ vật được trở về Campuchia bằng con đường ngoại giao vì chúng thường thuộc sở hữu tư nhân. Nhiều món được mua lại sau năm 1970 và thiếu giấy tờ chứng nhận hợp pháp. Hiện tại, Campuchia đang tích cực tìm lại những cổ vật này để đưa về nước bằng con đường pháp lý. Giới chức nước này đặc biệt quan tâm đến những bức tượng cổ mất tích từ những ngôi đền cổ, nơi mà hai bức tượng “người hầu quỳ” (ảnh) bị đánh cắp. Trong hàng chục bức tượng cổ bị đánh cắp khỏi ngôi đền 1.000 năm tuổi Prasat Chen, nơi có nhiều tác phẩm điêu khắc, khắc họa những truyền thuyết sử thi Hindu, có đến 6 cổ vật được xác định đang ở Mỹ. Ek Tha, phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan quản lý quốc gia, nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả bảo tàng và các nhà sưu tập tư nhân nếu đang có những bức tượng cổ sở hữu bất hợp pháp nên trả về Campuchia, theo như cách Metropolitan vừa làm”.
Việc trả lại những món đồ cổ bị đánh cắp về đúng chỗ của nó là một sự lựa chọn thông minh cho những bảo tàng lớn và uy tín. Những món đồ cổ quý giá như thế này sẽ dễ mang lại những rắc rối pháp lý về quyền sở hữu đối với viện bảo tàng. Đặc biệt trong trường hợp họ không thể chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và lịch sử chuyển nhượng hợp pháp của hầu hết những món đồ cổ có niên đại từ năm 1970, năm mà LHQ thông qua quy ước ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp cổ vật.
Tháng 10-2012, cuối cùng Chính phủ Mỹ cũng đã đồng ý ra lệnh xem lại nguồn gốc của bức tượng Duryodhana bằng sa thạch có niên đại từ thế kỷ thứ 10 đang được trưng bày tại Bảo tàng Norton Simon ở California. Campuchia quả quyết bảo tàng này đang sở hữu một cổ vật bị đánh cắp. Trước đó, hồi tháng 4-2012, Chính phủ Mỹ cũng đã ngăn không cho nhà bán đấu giá Sotheby bán đấu giá một bức tượng hàng ngàn năm tuổi trị giá khoảng 3 triệu USD. Theo New York Times, trong khi phía Campuchia cho rằng bức tượng đã được vận chuyển bất hợp pháp từ Bangkok đến Mỹ và châu Âu sau năm 1970 thì Sotheby bác bỏ cáo buộc trên và cho biết bức tượng đã được mua hợp pháp từ một nhà bán đấu giá ở London năm 1975.
Campuchia đã ngăn chặn thành công việc một số nhà đấu giá bán những món cổ vật bị đánh cắp của Campuchia cho các nhà sưu tập tư nhân. Tuy vậy, để có thể đưa những món cổ vật này trở về nước là một quá trình dài lâu và khó khăn.
(Nguồn: http://www.sggp.org.vn)