“Việt Nam đã vào bán kết rồi. Campuchia cũng hết hy vọng rồi. Mong mỏi lớn nhất của tôi lúc này là thầy trò HLV Lee Taehoon sẽ có một trận thua sít sao với cách biệt chỉ 1 trái. 1-0 hoặc 2-1. Hy vọng HLV Hữu Thắng sẽ tung ra đội hình 2. Đằng nào các bạn cũng vào bán kết rồi mà. Nhưng nói như thế mà lọt đến tai FIFA thì phiền đấy nhỉ?”, anh Tith Sovann cười lớn.
Một câu nói đùa, nhưng bên trong nó là hàm ý khát vọng to lớn. Tith Sovann biết rõ, nhìn lại 10-20 năm trước Campuchia luôn phải mang một cái “rổ” lớn để đựng bóng trước Việt Nam. Còn bây giờ, trước Việt Nam ở đấu trường lớn thì họ đã bắt đầu dám nghĩ về kết quả sít sao hơn. Và biết đâu trong một ngày may mắn và Việt Nam sơ sẩy sẽ có điểm chẳng hạn. Đó là bước chuyển quan trọng trong tâm thế. Khát vọng nảy sinh và lớn dần cùng với những chuyển mình mang tính cách mạng của bóng đá Campuchia. Theo Tith Sovann, ngày xưa nếu các sân bóng không ai xem thì cuộc cách mạng bóng đá đã và đang giúp giải vô địch quốc gia Campuchia ngày một nhộn nhịp.
“Hãy nói về bóng đá trẻ, nếu 10 năm trước các cầu thủ chỉ đến với trái bóng khi đã 20 tuổi thì bây giờ họ đã được tiếp cận từ lúc mới 10, 12 tuổi. Như tuyển Campuchia hiện tại, có một nửa đội hình dưới 22-23 tuổi. Chỉ vài cầu thủ trên 25 tuổi. Chúng tôi đang có một đội tuyển rất trẻ. Họ có thể non nớt về kinh nghiệm, nhưng tiềm năng phát triển sẽ xa hơn”, Tith Sovann chia sẻ.
Bàn rộng hơn, khá thú vị là câu chuyện mà Tith Sovann kể với tôi khiến không thể không liên tưởng đến làn gió tươi mát của U.19 Việt Nam năm 2014, giúp cả nền bóng đá bừng tỉnh, thổi nên cuộc cách mạng trẻ hóa trong bóng đá và lấy lại tình yêu từ người hâm mộ.
“Hai ba năm trước không nhiều người xem bóng đá trên sân vận động đâu. Nhưng từ sau khi đội tuyển Campuchia đánh bại Macau với tổng tỷ số 4-1 mọi thứ đã thay đổi. Chiến thắng 3-0 trên sân nhà trước Macau ở trận lượt đi để vượt qua vòng loại thứ nhất, có mặt ở vòng loại thứ 2 World Cup 2018, một làn sóng mạnh mẽ bùng nổ. Hoặc như anh nhớ đấy, ở giải U.16 Đông Nam Á, sân Olympic với hơn 5,5 vạn người luôn chật cứng khán giả. Dù là những giải trẻ, hoặc các trận đấu ở cấp độ quốc gia, lượng người vào sân xem bóng đá đã tăng đột biến. Tình yêu bóng đá xuất hiện và lan rộng. Khán giả đến sân nhiều hơn. Đó là sự khác biệt rất lớn”, lời phóng viên của Keila Daily Sport, trang báo thể thao lớn trong rất nhiều đầu báo thể thao đang mọc lên ở Campuchia.
Tith Sovann kể, Trung tâm huấn luyện bóng đá quốc gia Bati của Campuchia đã đi vào hoạt động từ cuối 2014, đầu 2015. Đó là dự án thuộc Goal Project của FIFA, đặt tại tỉnh Takeo, sát ngay biên giới và có truyền thống bóng đá rất thân thuộc với An Giang.
Cũng mới tháng 9 đây thôi, Campuchia cho ra đời giải hạng Nhất quốc gia với 9 đội bóng. Giải vô địch quốc gia của họ với 10 đội đang được AFC khuyến khích nâng số lượng lên thành 12.
Tith Sovann chia sẻ: “Rất nhiều CLB tại Campuchia cố gắng để có sân vận động riêng. Vào lúc này, đã có 4-5 đội bóng có sân riêng, hoặc có kế hoạch xây sân mới. Tôi rất hạnh phúc khi những giải trẻ như U.16 mà sân Olympic vẫn không một chỗ trống. Tình yêu bóng đá đang lớn lên từng ngày tại Campuchia. Sẽ còn cả chặng đường rất dài chúng tôi mới vươn lên được như Việt Nam. Nhưng ít nhất, chúng tôi có hy vọng vào những lứa cầu thủ trẻ của mình”.
Tiểu Bảo
(từ Nay Pyi Taw)