Nhằm tạo sự chú ý và tăng sức ảnh hưởng, người làm digital marketing cần có những đột phá về công nghệ để mang những trải nghiệm đa dạng và tốt nhất đến với khách hàng. 15 thành viên của Forbes Agency Council đã có những chia sẻ thú vị về những xu hướng digital marketing mới.
1. Tích hợp thực tế tăng cường (AR) vào mạng xã hội
Cùng với sự phát triển của các thiết bị điện tử và sự tích hợp của AR vào mạng xã hội, các nhãn hàng sẽ dùng AR để giao tiếp với khách hàng. Ví dụ, dựa trên hệ thống định vị, nhãn hàng sẽ chạy nội dung AR đến người dùng tại đúng một thời điểm và đúng một vị trí nào đó. Pokémon Go là nhà tiên phong trong ý tưởng này, và có khả năng Instagram cũng như Facebook sẽ sớm ứng dụng công nghệ này vào nền tảng của họ.
2. Sự sụp đổ của tiếp thị ảnh hưởng
Các công ty đang đổ hàng triệu đô la vào những người có tầm ảnh hưởng để quảng bá thương hiệu, nhưng dường như họ không thể đo lường và đánh giá được số tiền đầu tư khổng lồ đó có thể mang về kết quả xứng đáng hay không. Hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, nhưng giá cả quá đắt đỏ và khó hoàn vốn. Thay vào đó, các nhãn hàng đang dần chuyển hướng sang tiếp thị bình dân (grassroots promotion). Đây là hình thức khuyến khích những người quan tâm sâu sắc đến sản phẩm, thương hiệu trở thành những tình nguyện viên truyền tải thông điệp marketing một cách tự nhiên. Họ sẽ trở thành một đội ngũ ủng hộ, bán hàng và quảng bá sản phẩm, nhờ vậy thu lại được kết quả khả quan và chân thực hơn.
3. Thấu hiểu hành trình mua sắm của khách hàng
Tiếp thị định hướng dữ liệu (data-driven marketing) là sử dụng dữ liệu khách hàng, bao gồm: thói quen, hành vi, nhu cầu,… để tối ưu hoá hiệu quả các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị. Đây là một công cụ cực kỳ hữu ích, và quan trọng trong xu hướng digital marketing thời 4.0.
Thế nhưng, làm thế nào để chuyển hoá dữ liệu đó thành hành trình mua sắm của khách hàng mới là mấu chốt thành công của digital marketing. Tất cả những gì chúng ta cần làm là bằng mọi giá phải tận dụng nguồn dữ liệu để theo chân khách hàng, tìm hiểu xem họ hứng thú với điều gì, từ đó thiết kế chiến lược marketing để tiếp cận khách hàng một cách lâu dài và hiệu quả nhất.
4. Xây dựng quảng cáo có định hướng với mục tiêu cụ thể
Khách hàng đã quá mệt mỏi với việc phải xem đủ loại quảng cáo mỗi ngày và hầu như không còn hứng thú với chúng nữa. Trong thời điểm hiện tại, quảng cáo cần phải được xây dựng một cách tự nhiên với mục đích rõ ràng cụ thể, dù là trên thiết bị để bàn hay di động. Những nền tảng quảng cáo di động như Facebook, Instagram, Snapchat,… sẽ thể hiện ưu thế vượt bậc trong năm 2018.
5. Video trực tiếp chuyên nghiệp
Video vẫn tiếp tục là xu hướng trong năm 2018, nhưng phát triển ở mức cao hơn: Video trực tiếp chuyên nghiệp. Các nền tảng mạng xã hội đều đang chạy đua và cố gắng bổ sung thật nhiều tính năng vào công cụ này. Video trực tiếp là một cách tuyệt vời để kết nối với khách hàng, và sẽ tuyệt hơn nữa nếu nó được thực hiện một cách chuyên nghiệp, đạt chất lượng cao về hình ảnh bằng các thiết bị hỗ trợ.
6. Giao diện tương tác người dùng
Những công cụ có khả năng giao tiếp và tương tác như Alexa của Amazon, Cortana của Microsoft, các chatbot,… sẽ tiếp tục chứng tỏ vị trí của chúng trong thói quen và đời sống hàng ngày của khách hàng.
Giao tiếp là cách thức nguyên thủy và tự nhiên nhất để thương hiệu tiếp cận khách hàng. Và những công cụ trên được tạo ra với nhiều mục đích, có thể là thông tin, có thể là giao dịch, hay có thể chỉ đơn giản là mang đến niềm vui cho người sử dụng.
7. Tiếp thị video
Video đang trở thành phương tiện phổ biến và có sức ảnh hưởng nhất trong nội dung kỹ thuật số có khả năng mang lại một nguồn lợi to lớn nếu doanh nghiệp biết tận dụng đúng cách. Trong một thị trường cạnh tranh gay gắt để thu hút sự chú ý của khách hàng, video trở thành “át chủ bài” đẩy mạnh thứ hạng tìm kiếm, lượt tương tác và lượng truy cập website.
8. Cá nhân hóa quy trình bán hàng
Những bức thư điện tử và mẩu quảng cáo với thông điệp không thực sự rõ ràng, không hướng đến một người cụ thể đang dần trở nên nhàm chán và thất thế. Làm rõ mục tiêu và đẩy mạnh tính chất cá nhân trong từng thông điệp. Với marketer, sự chú ý của khách hàng tiềm năng là một kho báu, và cá nhân hoá chiến lược tương tác với khách hàng chính là chìa khoá để mở ra kho báu đó.
9. Chiến lược quảng cáo theo ngữ cảnh
Trong bối cảnh các quy định về bảo vệ dữ liệu (GDPR) đang được thắt chặt thì việc theo dõi hành vi người dùng bằng cookies sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Vì thế, các nhà tiếp thị đang dần chuyển sang quảng cáo theo ngữ cảnh – Contextual advertising.
Hệ thống quảng cáo theo ngữ cảnh sẽ quét nội dung chính của trang web và đưa ra các quảng cáo phù hợp với nội dung của trang. Ví dụ, nếu hệ thống nhận ra người dùng đang truy cập vào website về công nghệ thông tin, những quảng cáo liên quan đến thiết bị điện tử, công nghệ sẽ xuất hiện.
10. Sử dụng chuẩn đo tổ hợp “Cost per…”
Những người làm digital marketing thông minh sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về tỷ lệ hoàn vốn thực sự dựa trên việc xác định tất cả các chỉ số truyền thống như CPM (cost per impression) – chi phí cho mỗi 1.000 lần quảng cáo xuất hiện, CPC (cost per click) – chi phí cho mỗi cú click vào quảng cáo, CPL (cost per lead) – chi phí cho mỗi mẫu khảo sát được hoàn thành, và CPP (cost per rating point) – chi phí cho một rating.
Với quá nhiều kênh thông tin và công cụ quảng cáo đòi hỏi các marketer phải thực hiện chiến dịch của mình một cách thông minh và đo lường hiệu quả một cách chính xác.
11. Quảng cáo tự nhiên
Đây là hình thức quảng cáo mà những nội dung cần quảng bá xuất hiện trên một website dựa vào thao tác, trải nghiệm của mỗi người dùng. Khác với nhiều hình thức khác, quảng cáo tự nhiên không làm gián đoạn trải nghiệm của người dùng trên website hay ứng dụng. Nội dung quảng cáo sẽ xuất hiện một cách tự nhiên như một nội dung bình thường.
Quảng cáo tự nhiên chính là một trong những công cụ hữu ích để tạo hiệu ứng lan truyền và đưa doanh nghiệp đến với đối tượng khách hàng mục tiêu nhanh nhất có thể.
12. Kỹ thuật tích hợp với trải nghiệm thực tế
Trong năm 2018, kỹ thuật số không còn tồn tại như một cá thể riêng biệt nữa mà thường xuyên xuất hiện dưới dạng phức hợp cùng với trải nghiệm thực tế.
Chúng ta đã từng nhìn thấy sự kết hợp này trong các sự kiện thể thao hay những sự kiện lớn – nơi người dùng bắt đầu có những trải nghiệm trực tuyến trước và trong suốt sự buổi sự kiện. Họ có thể tương tác với các diễn giả, xem nội dung bài diễn thuyết thông qua ứng dụng theo thời gian thực, trong khi sự kiện thực tế vẫn đang diễn ra. Rất nhiều người mong đợi đây sẽ là sân chơi mới, nhiều “đất” để các marketer tiếp tục khai thác.
13. Tiếp thị giọng nói
Google công bố rằng có đến 20% số lệnh tìm kiếm trên các thiết bị di động được thực hiện bằng giọng nói. Và con số này có xu hướng chỉ tăng lên chứ không giảm đi, khi mà ngày càng nhiều người quen với việc sử dụng các công cụ như Alexa, Siri và cả những chiếc tủ lạnh thông minh điều khiển bằng giọng nói. Các marketer cần phải vận dụng xu hướng phát triển của digital marketing này để xây dựng các nội dung để thu hút được nhóm khách hàng mới, và phát triển quảng cáo ở những nơi không truyền thống – như màn hình của chiếc tủ lạnh chẳng hạn.
14. Thuật toán dự đoán
Giao diện lập trình ứng dụng được mở rộng cho những thuật toán máy học, quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo. Tính năng này giúp cho tất cả các doanh nghiệp lớn có thể dự đoán tốt hơn về mức chi tiêu cho marketing để tối ưu hoá ngân sách của họ. Đây được xem là một bước tiến cực kỳ quan trọng mà mỗi marketer đều phải lưu ý đến.
15. Những loại hình content marketing khác
Mỗi ngày, nhiều định dạng mới ra mắt mỗi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của video, content marketing không còn dừng lại ở các bài đăng trên blog hay báo chí nữa. Tìm kiếm bằng giọng nói sẽ thay đổi rất nhiều chiến lược nội dung, làm nổi bật hơn những đoạn trích dẫn. Nội dung quan trọng, những hướng dẫn tương tác sẽ được thiết bị trả về cho người dùng bằng giọng nói. Content sẽ trở nên sinh động, tương tác và tích hợp với giao diện người dùng.