Thông qua FFE, Tổ chức GD thế giới đang giúp cải thiện trình độ học vấn ở Campuchia bằng cách cung cấp đào tạo và trợ giúp cho các nhà GD và quản lý bậc Tiểu học.
Để có thể cải thiện kỹ năng đọc cho trẻ em, World Education thúc đẩy mạnh cách tiếp cận cung cấp hướng dẫn giảng dạy và phân phối tài liệu học tập cho hơn 50 trường học toàn tỉnh Siêm Riệp và Kampong Thom ở Campuchia. Khi giáo viên được hỗ trợ và có công cụ cũng như tài liệu cần thiết trên lớp, HS sẽ được hưởng lợi.
Việc sử dụng video trong các khóa đào tạo thông qua máy chiếu xách tay và loa là một sáng kiến mới, giúp tái hiện một cách thực tế nhất các hoạt động trong lớp, công cụ học tập và các quan điểm dạy học. Đối với các nhà GD ở các trường nông thôn Campuchia, nơi còn thiếu thốn về nguồn lực, video còn là một công cụ hữu hiệu và là động lực truyền cảm hứng cho họ khi tham gia khóa học.
Cụ thể, World Education đang đào tạo hơn 2.000 giáo viên và nhân viên thư viện về khả năng đọc viết sớm và phát triển ở trẻ, trang bị cho các lớp học với hàng nghìn tài liệu giảng dạy và học tập, đồng thời xây dựng năng lực của các cơ sở đào tạo giáo viên, hiệu trưởng các trường và các cán bộ quản lý GD để có thể tăng cường và hỗ trợ giáo viên phát triển nghề nghiệp một cách liên tục trên tất cả các cấp học của toàn bộ hệ thống GD.
Thành công bất ngờ
Ngoài việc sử dụng phương tiện minh họa bằng hình ảnh trực tiếp, World Education còn cung cấp cho giáo viên các bằng chứng cụ thể chứng minh cho việc áp dụng các kỹ thuật mới chẳng hạn như hoạt động học do HS tự tổ chức có thể được triển khai trên các lớp học truyền thống ở Campuchia với hoặc không cần sự trợ giúp của giáo viên.
Để nhiệm vụ đạt kết quả cao, giáo viên được cung cấp các đường dẫn trên Youtube in trên tài liệu khóa học hay phát tận tay đến từng trường để họ có thể xem lại các video hướng dẫn khi cần, giúp họ tiếp cận nội dung đào tạo ngoài thời gian khóa học cũng như hiểu sâu hơn các quan điểm GD thông qua việc tự học.
Từ những kết quả bước đầu, có thể thấy không chỉ giáo viên mà cả HS đang được hưởng lợi từ chương trình này. Tính đến nay, trên 70% hiệu trưởng các trường cho biết đã áp dụng các kỹ năng và công cụ mới nhằm hỗ trợ giáo viên phát triển chuyên môn. 63% giáo viên trong tổng số trên 250 trường mẫu cho biết họ đã áp dụng phương pháp và kỹ năng giảng dạy mới sau khi được đào tạo.
(Nguồn: https://tinnhanh.dkn.tv)