Cuộc triển lãm đầu tiên về các sản phẩm y dược dành cho thị trường Campuchia đang điễn ra tại thủ đô Phnom Penh. Với cuộc triễn lãm này sẽ góp phần thúc đẩy Campuchia có cơ hội phát triển ngành “non trẻ” này.
Ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo và triển lãm Minh Vi, đơn vị tổ chức sự kiện này, cho biết, triển lãm diễn ra trong hai ngày 14 và 15-9, thu hút hàng chục nhà cung cấp dịch vụ, sản xuất và cung ứng các sản phẩm y – dược và thiết bị y tế từ 15 quốc gia và khu vực, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái-lan , Malaysia, Indonesia, Bangladesh và nước chủ nhà Campuchia.
Giám đốc Cục Dược phẩm và Thực phẩm thuộc Bộ Y tế Campuchia, ông Heng Bunkiet, cho biết: “Triển lãm tạo thêm cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đồng thời giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước Campuchia liên kết hợp tác kinh doanh”. Theo ông Bunkiet, hiện có 297 công ty nhập khẩu và phân phối dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại Campuchia.
Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Chhuon Dara kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Campuchia. Ông Dara cho biết, Campuchia được hưởng ưu đãi thương mại từ nhiều quốc gia. Theo đó, những quốc gia này miễn thuế và miễn hạn ngạch cho các sản phẩm nhập khẩu từ Campuchia.
Theo ông Dara, với việc xây dựng các nhà máy tại Campuchia, các nhà đầu tư có thể sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm của họ sang nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, các nước thuộc Liên hiệp châu Âu mà không phải chịu thuế nhập khẩu hay hạn ngạch.
Thông cáo báo chí tại Triển lãm cho biết: “Thị trường dịch vụ chăm sóc y tế ở Campuchia có khả năng đạt trị giá 1 tỷ USD trong năm 2015, trong đó thị trường dược phẩm đạt khoảng 210 triệu USD. Dược phẩm tiêu thụ tại Thủ đô Phnom Penh và vùng phụ cận chiếm 80% tổng doanh số hàng dược phẩm của cả nước.”
Campuchia được coi là thị trường “màu mỡ” đối với các công ty – dược phẩm của Việt Nam.
Một đại diện của công ty F.D.Pharma có trụ sở tại Phnom Penh cho biết, ngoài các thị trường truyền thống như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Thái-lan, công ty này đang nhập khẩu các dược phẩm sản xuất tại Việt Nam. Doanh thu nhập khẩu dược phẩm Việt Nam của công ty đạt hơn một triệu USD/năm, một con số khá lớn so với dân số hơn 15 triệu người của Campuchia.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài kinh doanh tại thị trường Campuchia phải cẩn trọng về rủi ro thanh toán. Mặt khác, Campuchia cũng đang phải đối phó với tình trạng nhiều dược phẩm chất lượng thấp và dược phẩm giả trên thị trường.
Nhằm làm lành mạnh thị trường, Bộ Y tế Campuchia từng tuyên bố sẽ đóng cửa tất cả cửa hàng thuốc bán dược phẩm giả và sẽ kiện các chủ nhà thuốc này. Luật pháp Campuchia quy định tất cả các dược phẩm phải được đăng ký với Bộ Y tế để các chuyên gia của bộ có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm.
TRƯỜNG SƠN