WB cho biết chỉ có khoảng 3,6% số người Campuchia có tiết kiệm tại ngân hàng năm 2016 và dự nợ từ những khoản vay của MFI hiện đã chiếm tới 12% GDP của nước này.
Tại ngôi làng Ta Skor gần thủ đô Phnom Penh của Campuchia, đôi vợ chồng 60 tuổi Sophal đang cố gắng cứu những gì còn sót lại của cánh đồng lúa sau trận lũ quét.
Gia đình của cụ Sophal cũng tương tự như bao người dân vùng nông thôn khác ở Campuchia khi phụ thuộc hoàn toàn vào cánh đồng lúa và chỉ đủ ăn. Sau vài năm thiên tai, mất mùa, gia đình cụ Sopahl bắt đầu vay những khoản nợ từ các tổ chức tín dụng vi mô (MFI), một mô hình đã cho thấy sự thành công rất lớn ở nhiều nước Nam Á.
Tuy nhiên giờ đây, cụ Sophal và gia đình không biết liệu mình có trả nổi khoản nợ lên tới 2.000 USD không nữa.
Trong quá khứ, MFI hoạt động rất hiệu quả khi cho những gia đình nghèo ở các nước vay những khoản tiền rất nhỏ để có thể kinh doanh, lao động. Thông thường, các ngân hàng thương mại không nhắm tới những đối tượng này bởi khoản vay quá nhỏ trong khi những người nghèo không có nhiều tài sản có giá trị để thế chấp. Loại hình tín dụng này cần sự quản lý và phối hợp rất tốt, đồng thời mang tính hỗ trợ xã hội nhiều hơn hướng đến lợi nhuận.
Tại nhiều nước nghèo như Bangladesh, mô hình này chứng tỏ sự hoạt động vô cùng hiệu quả khi giúp rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên chúng lại đang gặp khó khăn ở Campuchia.
Câu chuyên của gia đình cụ Sophal đã trở nên rất phổ biến ở Campuchia khi MFI cùng các hoạt động cho vay nặng lãi đã xâm nhập vào mọi mặt đời sống của người dân nước này, đẩy tỷ lệ nợ hộ gia đình tại đây lên mức cao chưa từng thấy. Thậm chí các chuyên gia kinh tế đang lo ngại tín dụng quá cao sẽ ngăn cản đà tăng trưởng cũng như gây bất ổn cho xã hội Campuchia.
Đây là một thông tin không mấy sảng sủa cho chính quyền Phnom Penh khi cả Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đang xem xét rút khỏi các hiệp định tự do thương mại, qua đó ảnh hưởng đến hơn 750.000 lao động ngành may mặc tại đây và cũng là đối tượng chính cho các khoản vay vi mô.
Quốc gia ngập trong nợ
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy những khoản vay vi mô tại Campuchia đã tăng hơn 10 lần kể từ năm 2010. Kích thước nợ bình quân tại Campuchia hiện đứng đầu thế giới khi tăng từ 200 USD lên 1.000 USD/người trong 10 năm tính đến năm 2014, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.
Trong khi đó, báo cáo của Ngân hàng trung ương Campuchia cho thấy nước này hiện có khoảng 2 triệu người mắc nợ 2,8 tỷ USD tính đến cuối năm 2017.
Chuyên gia Ou Virak của Future Forum nhận định khoảng 10% con nợ hiện nay tại Campuchia mất khả năng thanh toán và dù thu nhập bình quân tăng nhưng tình hình kinh tế vĩ mô không ổn định có thể hủy hoại toàn xã hội.
Đồng quan điểm, khảo sát của hãng Mimosa năm 2016 cho thấy quy mô cho vay của các MFI chiếm tới 70 thu nhập trung bình hàng năm của người dân, đó là chưa kể đến các chi phí khác. Theo World Bank, số liệu này khiến Campuchia trở thành nước đứng đầu các quốc gia đang phát triển về số người vay nợ từ các tổ chức tài chính.
Ngân hàng World Bank cũng cho biết chỉ có khoảng 3,6% số người Campuchia có tiết kiệm tại ngân hàng năm 2016 và dư nợ từ những khoản vay của MFI hiện đã chiếm tới 12% GDP của nước này.
Hãng Mimosa dự báo Campuchia đang nằm trong bong bóng tín dụng vi mô và có thể nổ bất cứ khi nào nếu chính phủ không có biện pháp giải quyết.
Vòng xoáy nợ nần
Trong khi các chuyên gia trên thế giới tập trung vào cuộc chiến thương mại Mỹ Trung thì Campuchia lại đang phải vật lộn với chính những dòng tiền từ Trung Quốc. Nhiều công ty Trung Quốc đổ tiền vào đây xây bất động sản nhưng chúng hầu như chẳng giúp ích gì nhiều cho cuộc sống người dân.
Năm 2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Campuchia đã tăng gần 100% lên 6,3 tỷ USD và Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất năm thứ 5 liên tiếp. Đầu năm 2018, Trung Quốc tiếp tục rót 7 tỷ USD cho những dự án bất động sản ở quốc gia Đông Nam Á này.
Hãng CBRE ước tính cho thấy chỉ riêng thủ đô Phnom Penh sẽ có thêm hơn 20.000 căn hộ chung cư bình dân lẫn cao cấp. Tuy vậy, những căn hộ này hầu như bị bỏ hoang do mang tính đầu cơ hơn là đáp ứng thật sự nhu cầu của người dân.
Chủ tịch Rithy Sear của WorldBridge International nhận định những nhà phát triển Trung Quốc chỉ xây và để đó chờ đợi thị trường lên giá. Những người dân nghèo Campuchia bị mất đất cho các dự án này chẳng đủ tiền để mua nổi dù chỉ 1m2 đất.
Trong khi đó những người nghèo tại Campuchia hầu như chẳng nhận được lợi ích nhiều từ các dự án đầu cơ này. Khi cần tiền, họ hướng đến những khoản vay vi mô với lãi suất chỉ vào khoảng 1,2% để mua những tài sản nhỏ như điện thoại hay xe máy. Nghiên cứu của NBC cho thấy 1/3 số khoản vay vi mô tại đây là để chi tiêu cho các vật dụng gia đình.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã từng cảnh báo Campuchia cần thắt chặt quản lý MFI cũng như các hoạt động cho vay nặng lãi nhằm tránh rủi ro về hệ thống tài chính, trong khi World Bank cũng bày tỏ sự lo ngại về tín dụng vi mô tại đây. Với dân số chỉ 15 triệu người nhưng Campuchia có tới hơn 70 tổ chức MFI với khoảng 1.000 chi nhánh trên cả nước.
Nhìn ra được vấn đề, chính phủ Campuchia đang rút dần giấy phép của nhiều MFI nhằm thắt chặt thị trường, đồng thời ban hành các văn bản cảnh cáo với những MFI hạ mức lãi suất xuống gần 0% nhằm đảm bảo tính an toàn cho hệ thống tín dụng.
Dẫu vậy, chừng đó là chưa đủ cho một nền kinh tế còn yếu về tài chính. Campuchia hầu như không có cơ sở về hệ thống tài chính sau cuộc chiến với Khmer Đỏ và những khoản vay vi mô là nguồn tiếp cận vốn nhanh, hiệu quả nhất với những hộ nghèo cũng như kinh doanh nhỏ.