Hôm nay, tại Tòa án Đặc biệt Campuchia (ECCC) do Liên Hợp Quốc bảo trợ, hai bị cáo đã chính thức bị tuyên án với tội diệt chủng.
Nuon Chea, 92 tuổi, nhân vật thường được biết đến với biệt danh “anh Hai” – cánh tay phải của Pol Pot, và Khieu Samphan, 87 tuổi, nhân vật quyền lực thứ Năm (“anh Năm”) của Khmer Đỏ đã đưa ra xét xử vì những tội ác mà các nhân vật này đã thực hiện trong thời gian Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia từ 1975-1979.
Trong 4 năm kinh hoàng dưới ách cai trị của “Anh Cả” Pol Pot, khoảng 2 triệu người Campuchia đã thiệt mạng vì lao động quá sức, nạn đói hoành hành và những cuộc tàn sát tập thể.
Hai bị cáo nói trên đã bị tuyên án chung thân vào năm 2014 vì tội ác chống lại loài người, tội chỉ đạo giết người, đàn áp chính trị và nhiều hành vi vô nhân đạo khác gây ra tại Phnom Penh từ tháng 4/1975.
Nhưng trong phiên xét xử ngày hôm nay tại Tòa án Đặc biệt Campuchia (ECCC) do Liên Hợp Quốc bảo trợ, hai bị cáo đã chính thức bị tuyên án với tội diệt chủng.
“Các thẩm phán nhận định bị cáo Nuon Chea là người có quyền quyết định tối cao trong những kế hoạch được bàn thảo với Pol Pot. Vì vậy, bị cáo Nuon Chea chịu trách nhiệm lớn nhất cho mọi tội ác, trong đó bao gồm tội diệt chủng chống lại cộng đồng người Chăm và những tộc người khác,” chủ tọa Nil Nonn nói.
Trong khi đó, bị cáo Khieu Samphan bị tuyên án tội diệt chủng chống lại người thiểu số ở Việt Nam.Cả hai bị cáo đều nhận án chung thân. Hàng trăm người đã có mặt tại phiên tòa ở vùng ngoại ô Phnom Penh để theo dõi phiên xét xử.
“Bản án có ý nghĩa rất lớn với Campuchia, tòa án quốc tế và lịch sử hiện đại,” David Scheffer – chuyên gia đặc biệt của tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Khmer Đỏ từ năm 2012 tới nay – bình luận.
Youk Chhang, người đứng đầu Trung tâm Tài liệu của Campuchia – tổ chức nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho tòa án, khẳng định: “Bản án đã thể hiện tinh thần đoàn kết của các nạn nhân và nỗi đau không nguôi của họ. Đây là điểm kết thúc cho một trang bi thương trong lịch sử Campuchia”.
Tòa án kết hợp – dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế và luật Campuchia – được thiết lập với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc trong năm 2006 để xét xử các lãnh đạo của chế độ Khmer Đỏ.
Tuy nhiên, cựu ngoại trưởng Khmer Đỏ cùng vợ đã chết trước khi bị tuyên án, trong khi Pol Pot cũng chết từ năm 1998.
Được biết, có quá nhiều cáo buộc nhằm vào Nuon Chea và Khieu Samphan nên tòa án phải chia thành nhiều phiên nhỏ hơn để xét xử dần từ năm 2011.
Ông Scheffer khẳng định “thách thức về mặt hiệu quả, tài chính và nguồn bằng chứng” là vấn đề chung với tất cả các phiên tòa xử tội phạm quốc tế, nhưng cho rằng những trở ngại đó đã không ngăn được sự thành công của phiên tòa ở Campuchia.
ThoiDai