Nằm ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực, vương quốc Campuchia mang đậm dấu ấn của các tôn giáo du nhập từ Ấn Độ. Trải qua gần 2.000 năm lịch sử, người dân Campuchia đã phát triển một tín ngưỡng Khmer độc đáo với sự chung sống hòa bình giữa tôn giáo bản địa và các tôn giáo du nhập, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng. Phật giáo, với vai trò quốc giáo, có tầm ảnh hưởng quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc của đất nước xứ Chùa Tháp.
Các tôn giáo từ Ấn Độ du nhập vào Campuchia rất sớm thông qua con đường truyền giáo và buôn bán. Các trào lưu tôn giáo đã ảnh hưởng và in dấu sâu sắc vào đời sống văn hóa của người dân Campuchia. Nền văn minh đầu tiên được biết đến tại Campuchia xuất hiện vào khoảng thiên niên kỷ thứ nhất và phát triển hùng mạnh nhất vào khoảng thế kỷ IX cho đến thế kỷ XIII với nền văn minh Khmer. Tín ngưỡng Khmer với các tín ngưỡng hỗn hợp gồm tín ngưỡng thuyết vật linh bản địa và các tôn giáo Ấn Độ như Hindu giáo và Phật giáo đã tạo ra sự đa dạng về tôn giáo. Đạo Hindu có mặt tại Campuchia từ thời kỳ sơ khai và nhanh chóng chiếm được sự tín ngưỡng của người dân Campuchia. Đến thế kỷ VII, đạo Phật du nhập và nhanh chóng trở thành quốc giáo với trên 90% người dân Campuchia là Phật tử. Đạo Phật ở Campuchia tồn tại song song hai trường phái: phái Tiểu thừa và phái Đại thừa. Phái Đại thừa xuất hiện vào cuối thế kỷ VIII ở Campuchia và các nước thuộc đế chế Khmer. Phái Tiểu thừa xuất hiện ở Campuchia ngay khi bắt đầu có đạo Bàlamôn, sau đó vào cuối thế kỷ XII, nó bị lu mờ bởi phái Đại thừa (lúc này đã trở thành đạo của Hoàng gia). Sang thế kỷ XIII, với sự thúc đẩy của Thái Lan, đạo Phật Tiểu thừa phát triển và trở thành tôn giáo chính của Campuchia, cũng giống như Lào, Thái Lan, Myanmar và Sri Lanka đều theo đạo Phật Tiểu thừa.
Ngoài ra, Hồi giáo là tôn giáo của đa số người Chăm và người Mã Lai thiểu số ở Campuchia, chiếm 5% dân số. Các tín đồ Hồi giáo luôn giữ gìn được bản sắc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của mình, với hơn 300.000 tín đồ, đa số là người Hồi giáo Sunni, tập trung chủ yếu ở tỉnh Kampong Cham. Một phần trăm dân số Campuchia theo Kitô giáo, trong đó Công giáo Rôma tạo thành nhóm lớn nhất, tiếp theo là cộng đồng Tin Lành (Baptist, Liên minh Kitô giáo và truyền giáo, Phong trào Giám Lý, Nhân chứng Giê-hô-va, Phong trào Ngũ Tuần và Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô).
Có một thực tế ở Campuchia là chính trị có xu hướng phân hóa Phật giáo và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại, phát triển của các tôn giáo nói chung. Điều này xuất phát từ chính lịch sử chính trị nhiều biến động của quốc gia này, đặc biệt là giai đoạn Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo nắm được chính quyền vào năm 1975, thành lập nước “Campuchia Dân chủ”. Lực lượng này chiếm Thủ đô Phnom Penh và bắt đầu đẩy người dân ra khỏi thành thị vào tháng 10/1974, Phnom Penh trở thành một thành phố chết – không có cư dân sinh sống. Trong bốn năm cải tạo xã hội của Khmer Đỏ (1975-1979) đã có 1,7 triệu người dân chết. Bấy giờ, Phật giáo vốn là quốc giáo ở Campuchia, nhưng do sự hủy hoại, tàn phá của chính quyền Khmer Đỏ và sự thâm nhập của nhiều tập tục văn hóa không lành mạnh của địa phương, nên trong thập niên 1970 và 1980, Phật giáo ở Campuchia bị suy thoái nghiêm trọng. Chính quyền Khmer Đỏ đã phá hủy các tu viện của Phật giáo và tìm cách xóa sạch ý thức về tôn giáo của người Khmer. Từ giữa năm 1975 đến đầu năm 1979, Phật giáo Campuchia bị hủy diệt hoàn toàn. Hầu hết chùa chiền bị phá hủy. Tăng đoàn bị giải tán, sát hại và truy bức; nhiều tu sĩ đã bị giết hại…
Sau khi lật đổ chế độ Khmer Đỏ, tháng 9/1979, nhận thức được vai trò quan trọng của Phật giáo trong công cuộc hồi sinh đất nước Campuchia, Chính phủ mới đã phục hồi Phật giáo. Các vị sư Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam đã được mời sang Phnom Penh truyền giới cho những chư tăng Campuchia đã hoàn tục, Phật giáo Campuchia được hồi phục và thống nhất. Tới năm 1993, Liên Hợp Quốc hỗ trợ Campuchia trong việc bầu cử, tái thiết đất nước; các tôn giáo ở Campuchia tiếp tục chung sống hòa bình, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau sau những “vết thương chính trị”. Đó cũng là nhiệm vụ cấp thiết mà Chính phủ mới là Cộng hòa Nhân dân Campuchia xác định rõ nhằm tăng cường khối đoàn kết dân tộc trong hoàn cảnh không thể trì hoãn hơn.
Mặc dù dưới sự tàn phá của chế độ Khmer Đỏ, Phật giáo Campuchia từng bị suy thoái nghiêm trọng và cho đến nay vẫn đang trong giai đoạn hồi phục với số lượng các vị tu sĩ được đào tạo, có trình độ ở Campuchia không nhiều, song không cá nhân hay tổ chức nào có thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của Phật giáo trong việc củng cố quốc gia thống nhất, vun đắp sự đoàn kết nội bộ giai cấp cầm quyền. Đồng thời, tôn giáo này cũng để lại nhiều dấu ấn với nhiều mặt văn hóa – xã hội như văn học, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc, luật pháp… Phật giáo đã gắn liền với sự hưng vong của Vương quốc Campuchia: Khi quốc gia cường thịnh, Phật giáo được phát triển đến đỉnh cao; còn khi độc lập chủ quyền bị mất thì Phật giáo cũng chịu chung số phận với đất nước. Sự có mặt của Phật giáo đã góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa riêng của đất nước Campuchia, ngôi chùa không chỉ là trung tâm văn hóa của bản làng mà còn là nơi bảo vệ nền văn hóa lâu đời của dân tộc, bảo vệ và xây dựng vẻ đẹp cho cuộc sống mọi người, từ thời Phù Nam đến Chân Lạp, Angkor… Có rất nhiều trường học do Cơ sở Tự viện Phật giáo đảm nhiệm, chư tăng kiêm nhiệm làm thầy giáo, ngoài ra còn có các viện nghiên cứu Phật giáo do Chính phủ chỉ định, bao gồm nhiều vị học giả nổi tiếng. Trường Đại học Phật giáo được thành lập thu hút sự tham gia của nhiều con em Phật tử theo học, cho thấy vai trò quan trọng của Phật giáo trong lĩnh vực giáo dục ở Campuchia.
Bên cạnh việc nhìn nhận Phật giáo là quốc giáo, Chính phủ Campuchia vẫn khẳng định các tôn giáo khác luôn được đối xử bình đẳng trên cơ sở tôn trọng đức tin của mỗi cá nhân, mỗi tôn giáo. Nhờ vậy, những công dân không phải là Phật tử ở Campuchia không cảm thấy bị đối xử bất công khi gần như 100% chính khách, thành viên hoàng gia, nhân sự Chính phủ, đại biểu quốc hội Campuchia đều theo đạo Phật.
Tuy nhiên, hiện nay ở Campuchia còn tồn tại một vấn đề, đó là sự chi phối ngày càng lớn của các hoạt động chính trị đối với Phật giáo Campuchia dẫn đến ngày càng làm tăng tính thế tục của cộng đồng Phật giáo vốn mang tính xuất thế, và một hệ quả đáng lưu tâm là sự phân hóa, chia rẽ, thậm chí là mâu thuẫn, xung đột trong tôn giáo này. Sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2013, sự phân hóa chính trị Campuchia đã dẫn đến một tầng nấc mới của sự phân hóa Phật giáo. Tình thế Phật giáo bị lợi dụng có nguy cơ trở thành điểm nóng gây chia rẽ dân tộc. Đây là điều mà các tu sĩ tín đồ Phật giáo nhận thấy rõ là nguy cơ, từ những toan tính có hại cho Phật giáo, cần phải ngăn chặn từ trong trứng nước, không thể để diễn ra ở bất kỳ hình thức nào, với bất kỳ mức độ nào. Trong mọi hoàn cảnh, theo đúng lời dạy của Đức Phật, hành động cực đoan, quá khích, gây ra tổn hại, dù là về mặt tinh thần hay thể chất, đều hoàn toàn không phù hợp với lời dạy của Đức Phật. Mặt khác, Chính phủ Campuchia cũng xác định: Phật giáo không tham gia vào các hoạt động chính trị, bởi đây là truyền thống Phật giáo ở những quốc gia theo hệ phái Nguyên thủy, trong đó có Campuchia.
Tóm lại, dù trải qua nhiều biến động gắn với thực tiễn chính trị của đất nước, ngày nay Phật giáo vẫn là nền tảng văn hóa – xã hội của đất nước Campuchia. Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung không thể tách rời với văn hóa Khmer độc đáo và giàu bản sắc. Với địa vị độc tôn không thể thay thế trong mối quan hệ hòa bình với các tôn giáo khác, Phật giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giữ vững khối đoàn kết nội bộ dân tộc cũng như củng cố quan hệ láng giềng giữa Campuchia với một số nước lân cận. Chẳng hạn như Chính phủ Campuchia đã có sự phối hợp với Việt Nam nhằm đẩy mạnh hợp tác trao đổi tình hình tôn giáo, từ đó tích cực xử lý những vấn đề tôn giáo phát sinh ở các tỉnh dọc biên giới hai nước, góp phần ổn định tình hình biên giới hai nước nói riêng và an ninh khu vực nói chung.
(Nguồn: http://quyenconnguoi.com)