Nghi thức cưới hỏi của Campuchia có những nét riêng mang đậm bản sắc của dân tộc mình, làm phong phú cho kho tàng văn hoá truyền thống của dân tộc Khmer.
Lễ cưới hỏi của người dân Campuchia theo phong tục cổ truyền
Phong tục cưới hỏi cổ truyền của Campuchia có 2 lễ:
Lễ Sđây Đol Đông (Lễ nói)
Khi chàng trai đã thích một cô gái, muốn kết hôn với cô gái đó thì trước hết, đàng trai sẽ nhờ Phlâu Chău Ma Ha đi làm mối. Ông bà Mai (Phlâu Chău Ma Ha) thường là người đủ vợ chồng và không được chắp nối.
Khi được đàng gái chấp thuận rồi thì tiến hành lễ Sđây Đol Đông. Lúc này họ nhà trai lối 4 người mang lễ vật sang nhà gái. Lễ vật gồm một mâm trầu cau, 5 bánh thuốc hút, 1 bầu rượu, 2 chén bằng sành, 1 vòng bạc, 1 xâu chuỗi hổ.
Với nghi lễ này, hai nhà thông báo cho thân nhân và lối xóm biết hai đàng đã chính thức là xui gia. Lễ vật nhà trai đem sang nhà gái gồm: 4 nải chuối, 4 chai rượu, 4 gói trà, 4 gói trầu, 2 đùi heo, 2 con gà, 2 con vịt và một số tiền. Trong lễ này, hai bên định ngày cưới và định lễ cưới do bên nào gánh chịu, trai cũng được, gái cũng được, có khi hai bên “hùn” nhau. Mặc dầu lễ hỏi có định ngày, nhưng hầu hết đều cử hành chung với lễ cưới. Trước ngày cưới, chú rể phải qua nhà vợ làm lụng cực nhọc, có khi 2,3 năm mới được cưới. Có người chỉ vì một chút lỗi lầm mà có khi bị mất vợ.
Lễ Thngay Bôs Coltê (Lễ cưới)
Lễ cưới người Campuchia thường được tiến hành trong 3 ngày:
Ngày vào lều: Là ngày đầu tiên của đám cưới. Đầu tiên nhà gái phải dựng ở nhà mình một lều tân lang, bên cạnh đó là lều tiếp khách và lều bếp núc. Chú rể khi đến nhà cô dâu thì vào luôn lều tân lang.
Ngày thứ hai: Từ sáng sớm, bố mẹ và bạn bè hai gia đình đến nhà cô dâu tổ chức lễ cúng tổ tiên, cầu nguyện, phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ. Buổi chiều tổ chức lễ cắt tóc. Sau 3 tiếng trống phù dâu và phù rể sẽ cắt tóc cho cô dâu, chú rể trong tiếng hát “bài ca cắt tóc”, một người của đội nhạc đại diện cho cô dâu chú rể múa hát. Tổ chức nghi lễ này là để xoá tan những điều không may mắn của hai người. Cuối cùng là lễ tụng kinh. Cô dâu, chú rể quỳ trước mặt 4 nhà sư, hai tay chắp trước ngực, 4 nhà sư tụng kinh trong khoảng nửa tiếng. Tiếp theo là tiệc cưới, ăn xong thì hát múa. Nam nữ thanh niên quây quần xung quanh cô dâu, chú rể hát múa đến tận đêm khuya, hát múa xong thì tổ chức lễ buộc dây. Cô dâu chú rể ngồi xếp vòng tròn, hai tay chắp lại trước ngực, bố mẹ hai người sẽ lần lượt buộc dây vào cổ tay hai người. Điều này tượng trưng cho mối quan hệ với hai gia đình gắn bó chặt chẽ.
Ngày thứ ba: Là ngày bái đường. Nghi lễ do một người già cả chủ trì, phần lớn được tổ chức ở chùa chiền. Khi tổ chức lễ, đội nhạc sẽ tấu lên ca khúc bái đường. Sau đó đến tiết mục song ca của cô dâu chú rể và mọi người hát tập thể. Cuối cùng người chủ trì nghi thức sẽ phân phát trầu cau cho người nhà. Mọi người rắc hoa tươi lên cô dâu, chú rể để chúc phúc.
Sau khi kết thúc nghi lễ bái đường, người hát lúc nãy sẽ hát bài ca quấn chiếu cỏ và cuốn cái chiếu cỏ lúc nãy hai người ngồi và đem bán đấu giá. Khi ấy, cô dâu, chú rể phải bỏ tiền ra mua lại và đem vào trong phòng tân hôn, chiếc chiếu này sẽ được trải trên giường của họ. Sau đó, chủ hôn sẽ giao chú rể cho cô dâu trước mặt mọi người.
Bây giờ chú rể đón cô dâu về nhà trai để cúng bàn thờ tổ tiên bên họ nhà trai, sau đó cả hai bên gia đình đến nhà hàng để ăn tiệc chúc mừng đám cưới. Trong buổi tiệc, cô dâu thường sẽ có 3 phụ dâu và 3 phụ rể, họ sẽ thay lễ phục thường xuyên để chụp hình lưu lại kỉ niệm. Khi cuối bữa tiệc, các phù dâu và phù rể thường đứng hai bên cổng chào để đón khách và cảm ơn quý khách đã đến tham dự lễ cưới, bày tỏ tình cảm thân thiết đối với hai phía gia đình.
Những đám cưới ở Campuchia có thể thấy được người dự đám cưới ăn mặc rất sang trọng, trang phục đặc sắc, nổi bật, bạn bè của cô dâu hay chú rể khoe áo quần rộn ràng, có dịp trang điểm, ai cũng đều nở nụ cười trông thật vui vẻ và hạnh phúc.
Một số nét đặc sắc khác trong phong tục cưới hỏi của người Campuchia
Cũng giống như một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nhà ở của người dân Campuchia chủ yếu là nhà sàn. Điều đặc biệt gây chú ý đối với du khách nhất là các cửa chính, cửa sổ của những ngôi nhà ở đây đều có treo các màn (rèm) vải với nhiều màu khác nhau. Nhà nào có con gái lớn tuổi mà chưa lấy chồng người ta treo vải màu hồng. Nhà nào treo màn vải màu vàng là có con trai từ 12 tuổi trở lên đang đi tu trả hiếu cho cha mẹ.
Phong tục treo rèm vải theo màu sắc đã có từ lâu đời trên xứ sở đền đài này, bởi trước đây người dân Campuchia, nhất là vùng nông thôn sống thưa thớt, nhà nhà cách xa nhau nên treo rèm theo màu nào, cho việc gì được người dân thỏa thuận ngầm với nhau, sau đó rèm trở thành một “tín hiệu” không thể thiếu để thông báo gia cảnh cho mọi người biết và để… các chàng trai tiện tìm vợ nơi vùng đất có dân số khá ít này.
Với tục treo khăn hồng thì những gia đình có con gái khi bước sang tuổi 16, bố mẹ sẽ treo một cái khăn hồng trước cửa (có nhiều con gái thì bố mẹ phải treo ở cả cửa chính và cửa sổ, hoặc treo chồng lên nhau) cho đến khi cô gái đi lấy chồng mới được tháo xuống. Chính phong tục treo khăn này đã đem lại không ít chuyện vui để hướng dẫn viên du lịch ở đây kể làm quà cho du khách, họ kể rằng: Có một chàng trai nọ đến nhà có treo khăn hồng để tìm vợ, khi vào nhà anh ta gặp một bà lão và hỏi dò “Cháu muốn tìm hiểu cháu gái của bà để cưới làm vợ có được không ạ?”. Bà cụ ngước nhìn chàng trai một lúc rồi cười bẽn lẽn: “Cậu trẻ quá! Sao làm chồng của bà được”… Câu chuyện này cũng là kinh nghiệm để đời cho những chàng trai Campuchia khi đi tìm vợ, họ đoán tuổi của các cô gái dựa vào “độ” cũ kỹ của những chiếc khăn hồng treo trước nắng gió thời gian.
Người Campuchia theo mẫu hệ, do đó nếu chàng trai để ý cô gái nào thì sẽ đến ở nhà cô gái ấy làm “rể hờ” ba năm, tất nhiên trong ba năm đó chàng trai hoàn toàn không được động gì đến cô gái và sống y như một người hầu trong nhà. Sau ba năm nếu cô gái ưng thì sẽ cưới làm chồng. Nhưng tập tục ở rể đã được bãi bỏ vì nhiều gia đình lợi dụng chuyện ở rể để có người lao động nhưng cô gái lại không bao giờ ưng. Bây giờ, chàng trai nào thích cô gái nào thì cứ việc đến nhà dạm ngõ và thường sẽ được người nhà bên vợ hỏi rằng “có đi tu chưa?”, nếu chưa đi tu thì chàng trai sẽ bị từ chối thẳng.
Vì người Campuchia có tục con trai đến 12 tuổi là phải đi tu trả hiếu cho cha mẹ, thời gian tu có thể là 3 năm, 3 tháng hoặc 3 tuần, nhưng không được dưới 3 ngày. Và người ta quan niệm những người có đi tu thì sẽ biết đạo lý hơn, sống tốt hơn.
Ngoài phong tục cưới hỏi thú vị, xứ sở chùa Tháp còn có nhiều nét văn hóa đặc sắc khác đang chờ đón du khách khám phá trong hành trình du lịch Campuchia cùng Viet Viet Tourism. Chúc du khách có một chuyến đi trọn vẹn và nhiều ý nghĩa!
(Nguồn: https://www.tourcampuchia.com.vn)